Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ năm, 05/12/2024 | 17:50 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Hoạt động ERAV

Lắng nghe ý kiến, đề xuất từ Đại biểu Quốc hội về Luật Điện lực (sửa đổi)

17/10/2024
Nhiều ý kiến góp ý sâu sát thực tiễn của Đại biểu Quốc hội, chuyên gia với Luật Điện lực (sửa đổi) tại buổi tọa đàm do Truyền hình Quốc hội Việt Nam tổ chức.
Ngày 16/10, Truyền hình Quốc hội Việt Nam tổ chức chương trình tọa đàm “Góp ý hoàn thiện Luật Điện lực (sửa đổi) vì mục tiêu phát triển bền vững”. Tọa đàm có các đại diện các đơn vị tham gia xây dựng Luật từ Bộ Công Thương, Đại biểu Quốc hội các tỉnh cùng nhiều chuyên gia từ các lĩnh vực liên quan.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài, ông Tạ Đình Thi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội và ông Lê Quang Minh – Tổng giám đốc Truyền hình Quốc hội Việt Nam điều hành buổi tọa đàm.
Toàn cảnh buổi tọa đàm - Ảnh: Thế Duy
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu thống nhất về sự cần thiết phải sửa đổi Luật Điện lực lần này để khắc phục các bất cập của Luật Điện lực năm 2004. Đồng thời, đóng góp nhiều ý kiến bổ sung vào Luật.
Nhiều góp ý đi sâu đi sát từ thực tiễn
Tại Tọa đàm, bà Đặng Bích Ngọc- Phó trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình đã đề xuất một số nội dung cụ thể cần điều chỉnh trong dự thảo luật, bao gồm khoản 2, Điều 19 về chủ trương đầu tư dự án lưới điện trung và hạ áp. Theo bà, những dự án này thường có diện tích đất chiếm dụng nhỏ và phục vụ trực tiếp nhu cầu sinh hoạt của người dân. Việc áp dụng thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư đối với các dự án này sẽ kéo dài thời gian thực hiện, gây khó khăn cho quá trình triển khai. Vì vậy, bà kiến nghị cần miễn trừ việc thực hiện thủ tục này và thay thế bằng quy trình chấp thuận danh mục đầu tư xây dựng để đảm bảo tiến độ thực hiện nhanh chóng hơn.
Bà Đặng Bích Ngọc, Phó trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình - Ảnh: Thế Duy
Ngoài ra, bà Ngọc cũng đề cập đến vấn đề chất lượng điện tại các vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn và đặc biệt là các khu vực khó khăn như miền núi, biên giới và hải đảo. Hiện nay, các hợp tác xã điện ở những khu vực này đang gặp nhiều khó khăn trong việc duy tu, bảo dưỡng hệ thống điện và đảm bảo an toàn. Bà đề xuất cần có chính sách ưu tiên, hỗ trợ phát triển điện tại những vùng này nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Bên cạnh đó, bà Ngọc nhấn mạnh sự cần thiết của việc luật hóa phát triển các trạm sạc xe điện trong bối cảnh chuyển đổi năng lượng. Việc này không chỉ hỗ trợ phát triển phương tiện thân thiện với môi trường mà còn là cơ sở pháp lý để quản lý và bảo vệ lợi ích liên quan.
Cuối cùng, bà cũng đề nghị làm rõ trách nhiệm của các đơn vị cung cấp điện trong việc đảm bảo an toàn, cung cấp điện liên tục và có cơ chế bồi thường thiệt hại khi xảy ra sự cố điện gây ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân. Bà nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng điện an toàn, cũng như tăng cường kiểm tra, giám sát để giảm thiểu nguy cơ cháy nổ liên quan đến điện.
Bà Đoàn Thị Hảo, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên cũng nêu những ý kiến đóng góp quan trọng trong quá trình thảo luận về dự án Luật Điện lực (sửa đổi). Bà Hảo nhấn mạnh sự cần thiết phải rà soát kỹ lưỡng các nội dung của dự án luật để đảm bảo tính phù hợp và thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành, tránh gây ra những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Cụ thể, bà Hảo đề nghị xem xét lại quy định tại khoản 1, Điều 3 của dự thảo luật, liên quan đến việc áp dụng pháp luật trong trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Điện lực và các luật khác về cùng một vấn đề. Bà cho rằng cần xác định rõ nội dung nào sẽ thực hiện theo quy định của Luật Điện lực, nội dung nào theo các luật khác, để đảm bảo tính thống nhất và chính xác trong việc áp dụng pháp luật.
Bà Đoàn Thị Hảo, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên - Ảnh: Thế Duy
Bên cạnh đó, bà Hảo cũng quan tâm đến vấn đề phát triển điện ở các vùng nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo và các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Bà lưu ý hiện nay, chất lượng điện ở các khu vực vùng sâu, vùng xa còn thấp, gây ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân.
"Trong dự thảo luật cần có quy định cụ thể về chính sách ưu tiên phát triển điện ở các vùng này, đồng thời phối hợp với các chương trình mục tiêu quốc gia để đảm bảo hiệu quả và tránh chồng chéo"- bà Đoàn Thị Hảo đề xuất.
Ngoài ra, bà Hảo còn góp ý về việc quy định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và đơn vị cung cấp điện trong việc đảm bảo an toàn sử dụng điện. Bà đề nghị bổ sung nội dung về trách nhiệm của các đơn vị cung cấp điện trong việc đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục, cũng như hướng dẫn và tuyên truyền cho người dân về sử dụng điện an toàn.
Cũng tại buổi tọa đàm, Đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh - Đại biểu Quốc hội chuyên trách Thành phố Hà Nội, nhấn mạnh về hợp đồng kỳ hạn điện, một loại dịch vụ tài chính phái sinh, nhưng trong dự thảo chưa làm rõ mối quan hệ giữa hợp đồng này với giấy phép điện lực. Ông cho rằng, cần phải làm rõ hơn về quy định pháp lý đối với hợp đồng kỳ hạn điện, đặc biệt là khi nó chưa được quản lý bởi đơn vị điều hành thị trường, điều này đặt ra câu hỏi về cách quản lý trong tương lai.
Ngoài ra, ông Thịnh cũng đề cập đến việc thu hồi giấy phép hoạt động của các đơn vị điện lực, nhấn mạnh rằng cần làm rõ liệu các đơn vị này có thể tiếp tục hoạt động khi giấy phép bị thu hồi hay không, đặc biệt trong bối cảnh các dịch vụ điện năng cần được duy trì liên tục.
Đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh - Đại biểu Quốc hội chuyên trách thành phố Hà Nội - Ảnh: Thế Duy
Vấn đề điện nông thôn cũng được ông Thịnh nhắc đến. Theo đó, việc bàn giao hạ tầng điện cho các đơn vị ngành điện hiện vẫn còn khó khăn và kéo dài, đặc biệt là tại những khu vực đã đô thị hóa. Đồng thời, ông cũng đề xuất cần xem xét kỹ việc sử dụng rác thải sinh hoạt để phát điện, đảm bảo quy trình xử lý rác không gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.
Cuối cùng, đại biểu Quốc hội chuyên trách thành phố Hà Nội nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ hành lang lưới điện và đề nghị có biện pháp hỗ trợ người dân khi quyền lợi bị ảnh hưởng, thay vì chỉ thu hồi đất một cách cứng nhắc.
Ông Nguyễn Quang Huân, thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội chỉ ra, dù năng lượng tái tạo có tiềm năng lớn, nhưng hiện nay việc đầu tư vào các dự án điện gió vẫn gặp nhiều khó khăn do chi phí lớn và khả năng trả nợ của các nhà đầu tư không ổn định. Ông cũng lưu ý rằng, nhiều dự án điện gió đang phải tái cơ cấu tài chính, hoặc chuyển nhượng cho các nhà đầu tư nước ngoài để đảm bảo hoạt động.
Ông Nguyễn Quang Huân, thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội - Ảnh: Thế Duy
Ông Huân đề xuất cần có chính sách khuyến khích đầu tư vào hạ tầng lưu trữ năng lượng, cũng như phát triển điện gió ngoài khơi để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Ông khẳng định nếu không có sự thay đổi trong luật, các dự án năng lượng tái tạo khó có thể phát triển bền vững, và Việt Nam sẽ phải phụ thuộc vào nguồn điện nhập khẩu. "Đây là thời điểm then chốt để Quốc hội thông qua những sửa đổi cần thiết nhằm giải quyết vấn đề năng lượng cho tương lai"- ông Nguyễn Quang Huân bày tỏ.
Bộ Công Thương sẽ tiếp thu, giải trình chi tiết, đầy đủ từng ý kiến
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội và chuyên gia tham gia tại tọa đàm. Thứ trưởng khẳng định, các ý kiến này có chất lượng cao và bám sát thực tiễn. Bộ Công Thương sẽ tiếp thu, giải trình chi tiết từng ý kiến, từ nhỏ đến lớn, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến khoa học công nghệ và môi trường.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài - Ảnh: Thế Duy
Thứ trưởng nhấn mạnh, trong bối cảnh nhu cầu điện năng tăng cao, việc hoàn thiện cơ chế chính sách để giải quyết các vấn đề cấp bách, như điện khí và điện gió là cần thiết.
Ông cho rằng việc học hỏi kinh nghiệm quốc tế là quan trọng, nhưng cần điều chỉnh để phù hợp với thể chế và hệ thống pháp luật trong nước, bao gồm cả yếu tố an ninh quốc phòng. Đồng thời, ông bày tỏ mong muốn Quốc hội tiếp tục hỗ trợ, góp ý để Bộ có thể hoàn thiện các dự thảo.
Cuối cùng, Thứ trưởng cảm ơn sự tham gia tích cực của các đại biểu và mong muốn tiếp tục nhận được ý kiến đóng góp để hoàn thiện hơn nữa các chính sách về năng lượng.
Theo Báo Công Thương 

Cùng chuyên mục

Hành trình xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi) Chuyện chưa kể từ đội ngũ soạn thảo

05/12/2024

Sau hành trình gần một năm đầy nỗ lực, chiều ngày 30/11, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) với tỷ lệ đại biểu tán thành lên tới 91,65%. Thành công này đánh dấu bước tiến quan trọng trong công tác lập pháp, thể hiện sự đồng lòng của toàn bộ hệ thống chính trị, đồng thời là minh chứng cho sự nỗ lực và tâm huyết của các cơ quan tham gia soạn thảo, trong đó Bộ Công Thương giữ vai trò chủ lực, dẫn dắt toàn bộ quá trình.

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.893
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.956
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.271
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.860
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.197
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.302