Cần cơ chế đột phá để phát triển các dự án năng lượng tái tạo
Chuyên gia cho rằng, cần cơ chế đột phá để phát triển các dự án năng lượng tái tạo, tránh nguy cơ thiếu điện. Ảnh: EVN
Hướng tới kỷ nguyên sử dụng toàn bộ năng lượng tái tạo
Quá trình chuyển dịch năng lượng trên thế giới đang có xu hướng tăng tốc trong giai đoạn vừa qua, để hướng tới kỷ nguyên sử dụng toàn bộ các nguồn năng lượng tái tạo. Đó là việc các phương tiện giao thông, thay vì chạy xăng, dầu sẽ chạy bằng điện; hay các dạng năng lượng lưu trữ từ nguồn năng lượng tái tạo đang dần trở thành hiện thực trong những thập niên sắp tới.
Theo nhận định của TS Nguyễn Anh Tuấn - Hội đồng khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam, quá trình chuyển dịch năng lượng toàn cầu sẽ giúp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, tạo ra một thế giới phát triển bền vững hơn, công bằng hơn cho tất cả mọi người và sẽ có nhiều cơ hội hơn cho các thế hệ tương lai với không khí trong lành hơn, nước sạch hơn, sức khỏe của con người và điều kiện môi trường được nâng cao.
Tại Việt Nam, quá trình chuyển đổi năng lượng cũng đang diễn ra mạnh mẽ. Quy hoạch điện VIII đã đề xuất 3 kịch bản phát triển nguồn điện theo hướng chuyển đổi năng lượng: Kịch bản cơ sở, kịch bản cao và kịch bản rủi ro.
Trong đó, kịch bản phụ tải cao và xét tới một số nguồn điện thường chậm tiến độ được cho là nhiều khả năng xảy ra. Kịch bản phụ tải cao được xét đến trong bối cảnh tương lai khi nhiều hộ tiêu thụ công nghiệp sẽ chuyển dịch theo hướng “điện khí hóa”, giảm tiêu thụ các loại năng lượng hóa thạch (xe điện, công nghiệp thép “xanh”...), cùng với sử dụng năng lượng ngày càng tiết kiệm và hiệu quả hơn.
TS Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, với một tiềm năng được đánh giá là khá tốt cho phát triển năng lượng tái tạo (điện gió ngoài khơi hơn 450GW, điện gió trên bờ hơn 210GW, điện mặt trời 200-300GW), triển vọng trong tương lai cho phát triển năng lượng tái tạo là rất lớn.
Năng lượng tái tạo tuy có tiềm năng lớn, nhưng muốn khai thác cần phải tăng cường sự hỗ trợ trong một thời gian nữa.
Theo dự kiến kịch bản sơ bộ cho phát triển năng lượng tái tạo của Quy hoạch điện VIII, Việt Nam có thể khai thác đến 50.000MW công suất với sản lượng hơn 160 tỉ kWh từ năng lượng tái tạo vào năm 2030 và lên đến 260.000MW vào năm 2050 (nếu có chính sách hỗ trợ hợp lý).
“Đây là một đóng góp rất lớn cho nhu cầu của quốc gia về sản lượng điện và đảm bảo an ninh năng lượng và chuyển dịch năng lượng bền vững” - TS Tuấn cho hay.
Ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển khẩn cấp
Để làm được điều này, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam - đánh giá, Bộ Công Thương cần sớm cho nghiên cứu ban hành cơ chế đột phá về dịch vụ phụ trợ hệ thống điện với các nguồn lưu trữ, linh hoạt để huy động nguồn lực đầu tư các loại hình này, đảm bảo huy động tỉ lệ cao và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn.
Các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp cần được sớm giải quyết dứt điểm, “không hợp thức cái sai”, nhưng cần xử lý hợp lý, hợp tình để không lãng phí nguồn lực xã hội, đồng thời khai thông cho các dự án điện mới.
Cơ chế giá bán điện, cần được điều chỉnh linh hoạt, minh bạch và nhanh chóng theo các yếu tố đầu vào, là yếu tố cốt lõi quyết định cho phát triển thị trường điện thực sự cạnh tranh, thúc đẩy sử dụng điện tiết kiệm - hiệu quả, đồng thời là động lực cho các nhà đầu tư nguồn điện mới.
Với sự phát triển nhanh chóng của năng lượng tái tạo tại Việt Nam, đặc biệt là điện gió, mặt trời, TS Hà Minh Dương - Nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Pháp - cho rằng, cần phải áp dụng hệ thống pin lưu trữ để giải quyết tình trạng không liên tục của các nguồn này và đảm bảo độ tin cậy của lưới điện.
Theo ông, mục đích hiện nay của Việt Nam là phát triển hệ thống lưu trữ điện với tổng công suất 300MW đến năm 2030 có vẻ khiêm tốn, nhưng con số này không bao gồm những hệ thống đi kèm với điện mặt trời mái nhà.
“Để thúc đẩy một tương lai năng lượng bền bỉ, hiệu quả và bền vững hơn, Việt Nam nên đặt mục tiêu cao hơn. Mặt khác, cần sớm thiết lập các tiêu chuẩn kỹ thuật, cơ chế thị trường cho dịch vụ phụ trợ, thúc đẩy các dự án thử nghiệm và đầu tư vào việc phát triển nguồn nhân lực trong nước cho hệ thống lưu trữ điện. Nỗ lực này sẽ giúp Việt Nam dịch chuyển sang một hệ thống năng lượng xanh hơn” - TS Dương nói.
Theo Báo Lao động