Ông Phan Xuân Dương, chuyên gia tư vấn năng lượng độc lập:
Cần sớm ban hành Luật Điện lực (sửa đổi)
Ông Phan Xuân Dương, chuyên gia tư vấn năng lượng độc lập Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đến nay đã được cập nhật, chỉnh sửa, bổ sung rất nhiều và đang tiếp tục tiếp thu các ý kiến để hoàn chỉnh nhằm kịp thời trình Quốc hội xem xét và có thể thông qua trong vòng 1 kỳ họp tại Kỳ họp thứ 8 sắp tới. Tôi cho rằng, Luật Điện lực (sửa đổi) được ban hành càng sớm càng tốt vì nó mang lại hiệu quả cho ngành điện và các ngành kinh tế nói chung. Nếu chúng ta cứ mong Luật phải thật hoàn chỉnh và chờ hoàn chỉnh hết mọi thứ mới ban hành thì e rằng rất khó và sẽ không phù hợp với nhu cầu cấp thiết hiện nay.
Theo Quy hoạch điện VIII, mục tiêu đến năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện cần để phục vụ nhu cầu trong nước 150.489 MW, trong đó trọng tâm là xây dựng nhiệt điện sử dụng LNG 22.400 MW (14,9% tổng công suất các nhà máy điện); điện gió trên bờ 21.880 MW (14,5%); điện gió ngoài khơi (ĐGNK) 6.000 MW (4%), điện mặt trời 12.836 MW (8,5%).
Đối với các dự án điện gió trên bờ, điện mặt trời có thể kêu gọi các nhà đầu tư trong nước hoặc liên doanh, liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài qua thực tế triển khai. Chỉ có hai loại hình phát điện là nhiệt điện sử dụng LNG và ĐGNK cần được ưu tiên phát triển và đòi hỏi có nguồn vốn lớn.
Thực trạng là, các dự án điện khí LNG nhập khẩu đều gặp khó khăn trong giải quyết các vấn đề vay vốn vì các vướng mắc trong cơ chế, chính sách. Trong khi đó, ĐGNK chưa có dự án nào được gọi là đã khởi công xây dựng để đạt được 6.000 MW vào năm 2030. Nếu không có các cơ chế để thu hút vốn đầu tư tư nhân, trong đó chủ yếu là đầu tư nước ngoài, thì kế hoạch thực hiện đầu tư các dự án nguồn điện này sẽ có nguy cơ bị phá vỡ. Do đó, cần cơ chế đột phá để thu hút vốn đầu tư.
Với LNG, những quy định trong dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đã có nhiều bước đột phá, nhất là các quy định “khung” tại khoản 4, Điều 27; tôi cho rằng, Hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh cần phải cụ thể hóa, đảm bảo tính công bằng, hài hòa giữa các bên.
Với ĐGNK, Dự thảo mới nhất đã có những sửa đổi chung quan trọng về phân giao trách nhiệm các bộ, quy trình đầu tư... Tôi đề nghị cần nhanh chóng thí điểm và nên giao cho tập đoàn có kinh nghiệm như Petrovietnam, họ đã có công trình, giàn khoan, là doanh nghiệp có thể nói là có khả năng nhất của Việt nam để đầu tư vào lĩnh vực này và đặc biệt họ là những tổng công ty nhà nước. Sau khi có các dự án tiên phong, sẽ rút kinh nghiệm, bài học cho các dự án khác.
Ông Phan Tử Giang, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam):
Có chính sách thu hút đầu tư vào các dự án nguồn điện
Phó Tổng Giám đốc Petrovietnam Phan Tử Giang góp ý cho Dự thảo LuậtChính sách trong Luật Điện lực (sửa đổi) lần này là rất cấp thiết để làm sao thu hút đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia vào các dự án nguồn điện. Trong đó, các dự án nguồn điện có giá điện rẻ như thủy điện và điện than hiện không còn dư địa phát triển. Chính vì vậy, chúng ta phải làm sao phát triển được điện khí trong nước, điện khí LNG và năng lượng tái tạo (NLTT), đặc biệt là ĐGNK. Và bởi vì đây không phải là những nguồn điện giá rẻ nên chính sách đầu tư và vận hành cần phù hợp để làm sao thu hút đầu tư cũng như hiệu quả trong quá trình vận hành.
Việc này, cũng trả lời cho vấn đề tại sao trong 15 dự án điện LNG thì hiện nay chỉ có Nhơn Trạch 3, 4 được đầu tư, dự kiến đưa vào vận hành lần lượt từ tháng 05/2025 (Nhơn Trạch 3) và tháng 10/2025 (Nhơn Trạch 4). Tuy nhiên, phải nói rằng, đến thời điểm hiện tại chúng tôi vẫn đang đàm phán tiếp Hợp đồng mua bán điện (PPA) và đang cực kỳ lo lắng không được huy động đủ (Qc) để tạo cơ chế cho nhà máy vận hành. Nhưng tại sao chúng tôi lại quyết định đầu tư, phải nói thật đó là chỉ đạo của Chính phủ, Nhà nước và chỉ có doanh nghiệp nhà nước mới làm, còn các doanh nghiệp như tư nhân, nước ngoài họ sẽ không đầu tư nếu không rõ về chính sách.
Và vì sao LNG phải có cơ chế vận hành giá, phải có Qc dài hạn, bởi không có cơ chế vận hành dài hạn thì thứ nhất là không đảm bảo nguồn LNG. Thứ hai là không có giá tốt. Chúng tôi đã tính toán giữa việc mua dài hạn và mua ngắn hạn tạo ra cơ chế giá khác nhau rất nhiều. Theo tính toán hiện nay, giá mua dài hạn so với ngắn hạn có thể chênh lệch đến 73% nếu cam kết mua dài hạn chỉ 20%, so với cam kết mua dài hạn 90%. Bên cạnh đó, mua dài hạn còn đảm bảo được vấn để về ổn định nguồn cung khi thị trường thế giới khó khăn, biến động mà trong nhiều trường hợp thậm chí còn bị ngừng cung cấp nếu không có hợp đồng dài hạn. Chính vì vậy, nhà đầu tư cần có Qc cho điện LNG phải dài hạn.
Với các dự án điện khí trong nước, hiện chúng ta đang phát triển các dự án như NCS, Lô B, giá các dự án điện khí trong nước này cao hơn giá điện trung bình hiện nay của Bộ Công Thương công bố gần 50%. Hiện nay, Bộ Công Thương công bố giá khoảng 1.700 – 1.800 đồng kWh, trong khi đó, theo tính toán giá điện các dự án điện khí trong nước khoảng 3.100 – 3.400 đồng kWh. Tuy nhiên, phải thấy rằng, trong thành phần giá này toàn bộ từ khâu thượng nguồn (khai thác khí), đến khâu trung nguồn (vận chuyển khí), khâu hạ nguồn (phát điện) thì đều mang lại nguồn thu cho nhà nước. Cụ thể, nếu khí thiên nhiên trong nước được huy động năm 2024 đạt 90 – 100% lượng khí khai thác dự kiến thì thu ngân sách nhà nước với thượng nguồn từ khí tăng 1,75 – 2,14 nghìn tỷ đồng/năm. Trường hợp có thêm nguồn khí Lô B từ năm 2027, nếu lượng khí được huy động hết theo khả năng khai thác thì ngân sách nhà nước sẽ thu được khoảng 24 nghìn tỷ đồng/năm trong giai đoạn bình ổn. Mỗi kWh giá điện khí trong nước nhà nước thu tổng cộng khoảng 45%/đơn giá điện. Với nguồn thu mang lại cho nhà nước như thế, cần có chính sách ưu tiên sử dụng điện từ nguồn khí trong nước.
Ông Trần Hồ Bắc, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC):
Khuyến khích xuất khẩu ĐGNK
Ông Trần Hồ Bắc - Phó Tổng Giám đốc PTSC Trong phát triển ĐGNK, tất cả các nước trên thế giới đều trải qua 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 là thí điểm, nhà nước sẽ bao tiêu toàn bộ thời gian dự án, xác định một mức lợi nhuận định biên, quy mô thí điểm để đánh giá tiềm năng, thiết kế phù hợp với vùng biển, đánh giá tác động đến môi trường…
Giai đoạn 2 là phát triển có điều kiện, tức là có sự hỗ trợ của nhà nước, bao tiêu trong thời gian nhất định và có hỗ trợ giá. Cụ thể như kinh nghiệm ở Vương Quốc Anh, họ áp dụng chính sách bù trừ về giá. Ví dụ như họ đang mua bán điện trên thị trường cạnh tranh với giá 10 cent/kWh mà giá ĐGNK 12 cent thì nhà nước sẽ bù cho nhà phát triển 2 cent, ngược lại nếu giá thị trường 10 cent mà giá điện gió ngoài khơi 8 cent thì nhà nước thu về 2 cent.
Giai đoạn 3 là giai đoạn phát triển, tổ chức đấu thầu giá.
Theo kinh nghiệm của các quốc gia thì bắt buộc chúng ta phải có giai đoạn thí điểm, qua đó mới có thể xây dựng cơ chế để thực hiện.
Bên cạnh đó, về năng lượng tái tạo ngoài khơi/ĐGNK, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng lớn hơn nhu cầu. Do đó cần xem xét chính sách ưu tiên, khuyến khích đầu tư dự án ĐGNK cho xuất khẩu. Vì giá ĐGNK xuất khẩu thường rất cao, đường truyền dài, giá trên 20 cent/kWh. Trong vòng 10 – 15 năm tới dự báo giá ĐGNK vẫn còn cao hơn so vớ các nguồn điện khác, trong nước khó hấp thụ được thì có thể xem xét đến việc ưu tiên sản xuất để xuất khẩu. Việc đầu tư dự án điện cho xuất khẩu thì nhà nước đạt được các mục tiêu: Thứ nhất góp phần vào đảm bảo an ninh chủ quyền vùng biển, thứ hai là tạo ra công ăn việc làm, thứ ba góp phần vào mục tiêu Net Zero, thứ tư nhà nước thu về khoản tiền thuế.
Đại biểu Thạch Phước Bình, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh:
Cần thành lập quỹ phát triển điện năng lượng tái tạo
Đại biểu Thạch Phước Bình - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh
Ở chương 3 của Dự thảo Luật về phát triển điện tái tạo và các nguồn điện năng mới, nên chăng quy định thành lập quỹ phát triển để hỗ trợ tài chính cho quá trình khảo sát, phát triển các dự án này. Dự thảo Luật đã dành một chương cho loại hình điện NLTT và các nguồn điện mới nhưng lại không đề cập gì về các quy định hỗ trợ phát triển. Và thực tế hiện nay đó là vấn đề khó cho doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp xuống Trà Vinh khảo sát đánh giá tiềm năng NLTT, chi phí do doanh nghiệp bỏ ra nhưng lại không được hạch toán vào chi phí quản lý, trường hợp khảo sát có khả năng để khai thác thì không nói, còn ngược lại thì rất khó. Phải thể chế hóa việc này. Tôi đề nghị thành lập quỹ phát triển điện NLTT, huy động từ nhiều nguồn như nhà nước, tư nhân, các tổ chức quốc tế,… tạo điều kiện phát triển, thu hút đầu tư.
Đại biểu Phạm Xuân Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp:
Mua bán điện theo cơ chế giá thị trường
Đại biểu Phạm Xuân Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp Tôi ủng hộ sắp tới đây ngành điện lực bán điện theo giá thị trường, đảm bảo sự minh bạch và không có sự bù chéo giữa các đối tượng sử dụng điện với nhau. Như có những ngành công nghiệp sử dụng điện rất lớn, thậm chí một nhà máy thôi bằng cả một tỉnh sử dụng điện, trong khi đó mức độ sản xuất gây ô nhiễm cao nhưng mà trả tiền điện sản xuất lại thấp hơn điện sinh hoạt. Giá điện như vậy ai bù và như vậy là không hợp lý.
Tôi nghĩ cần minh bạch trong giá điện, áp dụng theo giá thị trường, để sắp tới đây sẽ không có chuyện ngành điện báo cáo hằng năm thua lỗ. Ngành điện là doanh nghiệp mà doanh nghiệp thì phải sòng phẳng giá thị trường, còn nhà nước bao cấp, nhà nước bỏ tiền ra bao cấp, rõ ràng, minh bạch. Khi đã minh bạch rồi mà ngành điện vẫn lỗ thì đó là vấn đề của ngành điện trong hoạt động quản lý, SXKD. Do đó, tôi cho rằng, thực hiện cơ chế giá thị trường hết sức cần thiết.
Về cơ chế thực hiện thí điểm các dự án ĐGNK. Đã xác định đây là câu chuyện thí điểm và cần thiết thí điểm, doanh nghiệp nhà nước được chỉ đạo làm thí điểm thì phải thực hiện, nhưng đồng thời phải có sự hỗ trợ, tiếp sức của nhà nước, để có pháp lý đủ mạnh cho doanh nghiệp thực hiện, còn không đủ sức sẽ rất khó.