Hình thành, phát triển thị trường thiết bị hiệu suất cao
Chương trình dán nhãn năng lượng là biện pháp quản lý nhà nước nhằm thúc đẩy việc sử dụng thiết bị hiệu suất cao, loại bỏ dần các sản phẩm công nghệ lạc hậu, hướng tới việc xây dựng văn hóa tiêu dùng bền vững trong cộng đồng. Để đạt được mục tiêu tiết kiệm năng lượng 5,0- 7,0% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ năm 2019 2025 và 8 - 10% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc giai đoạn từ năm 2019 - 2030 theo Chương trình VNEEP 3 - Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 -- 2030. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Chính phủ đặt ra đó là Chương trình chuyển đổi thị trường hiệu suất năng lượng của phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng - Chương trình dán nhãn năng lượng.
Mục tiêu của chương trình là tới năm 2030, cả nước sẽ tiết kiệm tiêu dùng tích lũy khoảng 10 nghìn tỷ đồng (480 triệu USD), tương đương giảm 34 triệu tấn khí thải carbon. Điều này đồng nghĩa với việc tiết kiệm khoảng 6.000 GWh/năm, tương đương hai nhà máy điện đốt than 500 MW.
Người tiêu dùng ngày càng ưu tiên lựa chọn các sản phẩm dán nhãn tiết kiệm năng lượngÔng Đặng Hải Dũng - Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo tiết kiệm năng lượng (Bộ Công Thương) - chia sẻ: Nhãn năng lượng là công cụ hiệu quả nhằm định hướng người tiêu dùng hướng đến việc sử dụng các phương tiện, thiết bị hiệu suất cao, tiến tới loại bỏ dần các phương tiện, thiết bị có công nghệ lạc hậu, giảm tiêu hao năng lượng trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.
“Chương trình dán nhãn năng lượng sẽ tạo ra sức ép thúc đẩy các nhà sản xuất luôn phấn đấu, ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất để đưa ra thị trường sản phẩm có hiệu suất cao, thân thiện môi trường. Bên cạnh đó, sẽ ưu tiên kinh doanh, phân phối các sản phẩm đạt hoặc vượt tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng đã quy định và đảm bảo các thông số ghi trên nhãn, góp phần định hướng thị trường, giúp người tiêu dùng chọn đúng các các sản phẩm tiết kiệm năng lượng có hiệu suất năng lượng mong muốn đang lưu thông trên thị trường”- ông Đặng Hải Dũng nhấn mạnh.
Hoạt động dán nhãn năng lượng tại Việt Nam được triển khai theo hình thức tự nguyện từ năm 2008 và bắt buộc phải thực hiện (đối với một số phương tiện, thiết bị) kể từ ngày 1/7/2013. Đến nay, Chương trình dán nhãn năng lượng đã đạt được một số thành tựu đáng kể.
Cụ thể, mỗi năm, có khoảng 10.000 mã sản phẩm mới thuộc 26 chủng loại thiết bị đã được dán nhãn năng lượng từ 1- 5 sao. Chương trình đã loại bỏ khoảng 45 triệu bóng đèn sợi đốt (công suất trên 40W) hàng năm ra khỏi thị trường, nâng hiệu suất 6 loại sản phẩm tiêu thụ điện phổ biến gồm: Máy biến áp, điều hòa không khí, nồi cơm điện, quạt, đèn huỳnh quang ống, CFL.
Đáng chú ý, hiệu quả sử dụng điều hòa không khí tăng lên, ước tính, lượng điện năng tiết kiệm được hàng năm do người tiêu dùng chuyển hướng sang chọn mua và sử dụng các loại sản phẩm điều hòa có hiệu suất cao vào hơn 100 triệu kWh/năm.
Theo ông Mã Khai Hiền - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển về Tiết kiệm năng lượng (ENERTEAM): Hiện nay, nhãn năng lượng đã tạo được thói quen tiêu dùng cho người dân và doanh nghiệp trong việc mua sắm các sản phẩm hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng. Nếu như trước đây, người tiêu dùng khi chọn mua sản phẩm chỉ căn cứ vào giá cả, mẫu mã, thì nay đã chủ động tìm hiểu các thông tin về kỹ thuật, mức tiêu thụ năng lượng để lựa chọn sản phẩm bởi điều này ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích kinh tế khi tiết kiệm đáng kể lượng điện tiêu thụ trong quá trình sử dụng. Thông qua việc nâng cao nhận thức người tiêu dùng, Chương trình dán nhãn năng lượng đã tạo ra sự chuyển đổi mạnh mẽ về hiệu suất năng lượng trên thị trường.
Thay đổi thói quen tiêu dùng
Một trong những hoạt động thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia trong Chương trình dán nhãn năng lượng đó là Giải thưởng “Sản phẩm hiệu suất năng lượng cao nhất”, được Bộ Công Thương bảo trợ và phát động triển khai từ năm 2020.
Giải thưởng nhằm thúc đẩy hơn nữa xu hướng tiêu dùng xanh, hướng tới sử dụng sản phẩm ít tiêu hao năng lượng, định hướng phát triển thị trường các sản phẩm có hiệu suất năng lượng cao hơn. Qua đó, đóng góp tích cực vào quá trình thực hiện lộ trình dán nhãn năng lượng và đạt mục tiêu, đến năm 2030, giảm mức phát thải khí nhà kính ít nhất 1,5 - 2%/năm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định số 1393/QĐ-CP ngày 25/09/2012 về phê duyệt chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh).
Giải thưởng Hiệu suất năng lượng do Bộ Công Thương tổ chức đã thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp tham giaChương trình bước đầu thúc đẩy nhà sản suất đưa ra thị trường các sản phẩm sử dụng năng lượng có tính năng vượt trội, hiệu suất năng lượng cao (mức trên 5 sao). Những sản phẩm được dán nhãn hiệu suất năng lượng cao nhất được ban hành kèm theo mã QR khi lưu thông sản phẩm hàng hóa trên thị trường là dấu hiệu sản phẩm tiết kiệm năng lượng vượt trội trên thị trường hiện nay.
Thông qua chương trình, thị trường ngày càng xuất hiện nhiều sản phẩm tiết kiệm năng lượng đa dạng chủng loại, mẫu mã, giá thành và mức độ tiết kiệm năng lượng được nhận biết thông qua số lượng sao (tối đa 5 sao).
Là đơn vị sản xuất thiết bị điện dân dụng, không ngừng đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm, tiết kiệm năng lượng là mục tiêu của Tập đoàn Kangraroo. Ông Hirokazu Shoda - Phó Giám đốc chất lượng của Tập đoàn Kangaroo - cho biết: Gần đây, khi hãng cho ra mắt sản phẩm bình nước nóng gián tiếp kháng khuẩn 22L Kangaroo KG79A và KG68A2 được sản xuất với công nghệ hiện đại, vật liệu thân thiện môi trường, có khả năng tiết kiệm điện năng trong quá trình sử dụng liên tục trong thời gian dài, giúp tiết kiệm đến 30% điện năng. Sản phẩm đã được đông đảo khách hàng lựa chọn và Bộ Công Thương trao Giải thưởng “Hiệu suất năng lượng cao nhất 2022”.
Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách khuyến khích sử dụng đèn Led tiết kiệm điện năng, làm cho sản xuất đèn Led trong chiếu sáng giao thông, chiếu sáng trang trí, sân vườn, nội thất có xu hướng tăng mạnh. Trước xu thế đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất trong nước đã đầu tư đổi mới công nghệ, tập trung nghiên cứu để cho ra những dòng sản phẩm chiếu sáng công cộng, đèn trang trí ngoài trời, trong nhà với mẫu mã đa dạng, hiệu suất năng lượng cao nhưng giá thành đảm bảo yếu tố cạnh tranh so với những sản phẩm nhập khẩu.
Đèn pha Led Samba lắp đặt tại sân bay Phù Cát- sản phẩm của Hapulico Đi tiên phong trong sản phẩm chiếu sáng công cộng có hiệu suất cao phải kể đến Công ty TNHH MTV Chiếu sáng và thiết bịi đô thị (Hapulico). Với khả năng tiết kiệm năng lượng cao, mẫu mã đa dạng, có tính thẩm mỹ, giá thành cạnh tranh, Hapulico đã trúng thầu và tham gia thi công, cung cấp thiết bị chiếu sáng cho hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Tổng giám đốc HAPULICO - cho biết: Hàng năm, HAPULICO cung cấp ra thị trường trên 50.000 bộ đèn chiếu sáng đường phố, trên 30.000 cột trang trí sân vườn với đa dạng về chủng loại và mẫu mã. Không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước, sản phẩm của Hapulico còn xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới như: Hàn Quốc, Mỹ, Úc… Năm 2020, 4 sản phẩm đèn Led chiếu sáng đường phố của Hapulico đã được Bộ Công Thương trao Giải thưởng Hiệu suất năng lượng cao nhất. Điều đó thêm một lần nữa khẳng định HAPULICO là doanh nghiệp dẫn đầu trong sản xuất, chế tạo sản phẩm sử dụng năng lượng hiệu suất cao cung ứng ra thị trường Việt Nam, đáp ứng xu hướng tiêu dùng xanh, sử dụng sản phẩm ít tiêu hao năng lượng, thân thiện với môi trường.
Hiện, trên thị trường còn thiếu nhiều chủng loại sản phẩm, thiết bị điện phục vụ văn phòng, sinh hoạt gia đình chưa tham gia dán nhãn năng lượng do thiếu tiêu chuẩn, quy chuẩn quy định hiệu suất năng lượng. Thời gian tới, với việc ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, thì thị trường thiết bị hiệu suất cao tiếp tục sôi động sẽ góp phần thay đổi thói quen tiêu dùng, thúc đẩy các doanh nghiệp không ngừng đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng để cho ra những sản phẩm có hiệu suất năng lượng cao hơn.
Theo Báo Công Thương