Tiến sĩ Tạ Đình Thi, Chủ nhiệm Ủy ban KHoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nêu các con số rất đáng quan tâm về tiềm năng điện gió ở vùng biển nước ta.
Theo tính toán, tại khu vực có độ sâu đáy biển trên 20m, tổng quy mô tiềm năng kỹ thuật điện gió ngoài khơi khoảng 165.000 MW. Khu vực gió cao và có tiềm năng kinh tế tốt chủ yếu là ở các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, KHánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, với tổng tiềm năng khoảng 80.000MW.
Ảnh minh họa Đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho biết, theo dự thảo Quy hoạch điện VIII đang được Bộ Công Thương hoàn thiện, dự kiến tổng công suất điện gió sẽ được nâng từ khoảng 4.000MW năm 2022 lên khoảng 23.000MW vào năm 2030.
Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), với bờ biển dài hơn 3.000km, Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng gió. Việt Nam đã và đang triển khai nhiều dự án phát triển năng lượng gió trên bờ, gần bờ, đồng thời khởi động các dự án điện gió ngoài khơi. Tuy nhiên, để phát triển điện gió ngoài khơi, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức không hề nhỏ.
Hiện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang nghiên cứu và đề xuất với Chính phủ phát triển dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên ở khu vực vịnh Bắc Bộ với tổng công suất khoảng 800MW. EVN cho biết, mục tiêu tổng công suất lắp đặt điện gió ngoài khơi trên cả nước là 7.000MW vào năm 2030 và 87.000MW vào năm 2050. Việc phát triển điện gió ngoài khơi là cần thiết để chủ động bảo đảm nguồn cung ứng điện của EVN, đặc biệt cho khu vực miền Bắc theo mục tiêu đến năm 2030. Hướng đi này cũng phù hợp với chiến lược phát triển của EVN và tầm nhìn quốc gia đến năm 2045.
Trong quá trình triển khai, Tập đoàn gặp khó khăn khi quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030 (Quy hoạch điện VIII) và quy hoạch không gian biển quốc gia giai đoạn 2021-2030 chưa được phê duyệt. Các quy định về pháp luật cũng còn nhiều vướng mắc khi chưa có chính sách, cơ chế giá cho các dự án điện gió ngoài khơi, chưa có các quy định về trình tự, tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó là các khó khăn về cơ sở hạ tầng, dữ liệu, kinh nghiệm, chi phí đầu tư…
Trên cơ sở đó, EVN đề xuất với Chính phủ sớm phê duyệt quy hoạch điện VIII và quy hoạch không gian biển quốc gia, hoàn thiện quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng và vận hành các dự án điện gió ngoài khơi, đồng thời thu hút đầu tư bằng việc nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng như cảng biển, tàu biển, phương tiện phụ trợ... để đáp ứng được các yêu cầu về phát triển.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Sơn (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), cần có nghiên cứu chuyên sâu xác định các tiêu chí và khu vực ưu tiên, khuyến khích phát triển điện gió; hỗ trợ việc cấp phép sử dụng biển và định hướng đầu tư từ phía cơ quan quản lý.
Phát triển điện gió ngoài khơi là nội dung có liên quan chặt chẽ đến quy hoạch không gian biển đang được Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì lập và sẽ trình Quốc hội thông qua trong thời gian tới. Theo Tiến sĩ Tạ Đình Thi, với mục tiêu phát triển bền vững kinh tế biển, bảo vệ môi trường, bảo tồn hệ sinh thái và đa dạng sinh học, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại, hợp tác quốc tế hiệu quả, vùng biển dự kiến được phân thành các vùng cấm khai thác, vùng khai thác có điều kiện, khu vực khuyến khích phát triển đối với các ngành kinh tế biển, khu vực cần bảo vệ đặc biệt cho quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, bảo tồn hệ sinh thái và vùng nghiên cứu lập quy hoạch. Việc phân định tại quy hoạch như vậy sẽ xác định các khu vực biển tiềm năng, phân vùng phù hợp để phát triển điện gió ngoài khơi.
Theo Báo Hà Nội mới