Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ năm, 12/09/2024 | 11:51 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Phát triển năng lượng

Cần nhiều trợ lực thúc đẩy chuyển dịch năng lượng

05/08/2024
Với nhu cầu năng lượng ngày càng tăng cao, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế đất nước phát triển mạnh mẽ, chuyển dịch năng lượng không chỉ là nhiệm vụ quan trọng mà còn là yếu tố then chốt để bảo đảm an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Tuy nhiên, quá trình này đang đối diện với nhiều thách thức, cần nhiều chính sách hỗ trợ...

Một góc Nhà máy Điện gió Kosy Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu).
Đối diện không ít thách thức
Theo dự báo của Bộ Công Thương, sản lượng tiêu thụ điện của Việt Nam năm 2024 tăng khoảng 15% và trong những năm tiếp theo sẽ tăng khoảng 8-10%. Trong bối cảnh nguồn năng lượng hóa thạch như than đá, dầu mỏ đang dần cạn kiệt, gây hại cho môi trường, việc bảo đảm nguồn cung năng lượng ổn định và bền vững trở thành thách thức lớn.
Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương và chính sách quan trọng để thúc đẩy chuyển dịch năng lượng, giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch và tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo. Đơn cử, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 500/QĐ-TTg (ngày 15-5-2023) phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, đặt mục tiêu ưu tiên phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện. Tỷ lệ năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn cung sẽ đạt khoảng 30-39% vào năm 2030 và thậm chí là 47% theo cam kết về chuyển dịch năng lượng công bằng với Việt Nam (JETP).
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) Nguyễn Sĩ Đăng, muốn chuyển dịch năng lượng thành công cần có 4 yếu tố cốt lõi là nền kinh tế cạnh tranh, thị trường mở cửa, các chính sách hỗ trợ và đặc biệt là công nghệ - đóng vai trò trung tâm trong chuyển dịch năng lượng.
Ý thức được vai trò quan trọng của công nghệ mới, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2030 “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng”. Mục tiêu là ứng dụng và làm chủ các công nghệ, thiết bị tiên tiến trong thăm dò, khai thác, sản xuất và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng sơ cấp, sạch, sinh học, tái tạo, góp phần giảm phát thải khí nhà kính. Ngoài ra, Việt Nam còn có chương trình “Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ mục tiêu đạt phát thải ròng về 0 tại Việt Nam”.
Việt Nam đang thực hiện nhiều bước để chuyển đổi từ các nguồn năng lượng truyền thống sang nguồn năng lượng tái tạo và bền vững hơn. Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Bộ Khoa học và Công nghệ) Nguyễn Mai Dương, quá trình này đang đối diện với nhiều thách thức. Cụ thể, mặc dù chi phí của công nghệ năng lượng tái tạo đã giảm đáng kể, song việc triển khai trên quy mô lớn vẫn đòi hỏi đầu tư ban đầu lớn, nhất là điện gió. Ngoài ra, hạ tầng lưới điện ở Việt Nam chưa đáp ứng đủ để tích hợp năng lượng tái tạo. Một số nguồn năng lượng tái tạo không bảo đảm tính liên tục.
Có cơ chế tháo gỡ các vấn đề phát sinh
Trước những vấn đề đặt ra với việc chuyển dịch năng lượng, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần có thêm nhiều chính sách hỗ trợ. Ngoài yếu tố về nguồn tài chính, Giám đốc dự án CASE (thuộc Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức - GIZ) Vũ Chi Mai khuyến nghị, Chính phủ cần có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ đổi mới sáng tạo cho khu vực tư nhân và bảo đảm nguồn nhân lực tiếp nhận công nghệ mới. Việc thiếu hụt kỹ sư công nghệ cao khiến chi phí đầu tư dự án tăng lên.
"Trong khuôn khổ dự án CASE, chúng tôi sẽ cùng các cơ quan quản lý rà soát thế mạnh của Việt Nam trong chuỗi giá trị điện gió, điện mặt trời, xem khâu nào có thể đạt được tỷ lệ nội địa hóa cao để đưa ra lộ trình công nghệ phù hợp”, bà Vũ Chi Mai nêu.
Từ góc độ doanh nghiệp, Phó Trưởng ban Kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam Trần Viết Nguyên nhận định, viêc huy động tối đa nguồn năng lượng tái tạo đòi hỏi tính linh hoạt của hệ thống điện càng cao. Vì vậy, cần phải có cơ chế tháo gỡ các vấn đề phát sinh khi tỷ lệ năng lượng tái tạo thâm nhập hệ thống điện cao, đặc biệt cần các loại hình tích trữ năng lượng mới để ổn định và vận hành hệ thống điện linh hoạt.
Đại diện một doanh nghiệp tư nhân đang tham gia vào quá trình chuyển dịch năng lượng, Giám đốc Đầu tư và Phát triển mảng năng lượng Vinfast Võ Lê Duy Đức chia sẻ, xe điện là sản phẩm công nghệ mới, người dùng còn có những băn khoăn nhất định, đặc biệt là hạ tầng trạm sạc. Do đó, các cấp, ngành cần có chính sách khuyến khích phát triển hạ tầng trạm sạc, ưu đãi về giá điện cho người sử dụng, hướng tới khuyến khích sử dụng xe điện.
Từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước, Phó Vụ trưởng Vụ Đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ Nguyễn Sĩ Đăng cũng cho rằng, cần ưu tiên hỗ trợ các dự án nghiên cứu và phát triển công nghệ năng lượng tái tạo; thúc đẩy chuyển giao công nghệ, nội địa hóa ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió, điện mặt trời, khí hóa lỏng... Cơ chế chuyển giao công nghệ cần thuận lợi, giúp tiếp cận và ứng dụng vào cuộc sống nhanh chóng.
Theo Hà Nội mới 

Cùng chuyên mục

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151