Cuộc họp có sự tham gia của Ban soạn thảo, Tổ Biên tập; đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan trực thuộc Bộ Công Thương, một số chuyên gia.
Mục đích của cuộc họp nhằm tiếp thu, nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo Luật Điện lực sửa đổi sau các phiên họp của Thường trực Chính phủ; các chỉ đạo của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ; các ý kiến góp ý đề xuất của các cơ quan hữu quan, cộng đồng doanh nghiệp… Cuộc họp cũng tiếp tục rà soát các nội dung nhằm hoàn thiện hồ sơ trước khi báo cáo Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Toàn cảnh cuộc họp rà soát Luật Điện lực sửa đổi trưa ngày 29/7/2024
Như đã thông tin, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, thời gian qua, Bộ Công Thương đã nỗ lực xây dựng dự thảo Luật Điện lực sửa đổi, gửi xin ý kiến rộng rãi của các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp và cộng đồng xã hội. Bộ cũng tiến hành song song các công việc hoàn thiện hồ sơ, lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, trình Chính phủ xem xét cho ý kiến.
Theo đó, Luật Điện lực sửa đổi có quy định về quy hoạch phát triển điện lực và đầu tư xây dựng dự án điện lực; phát triển điện năng lượng tái tạo và điện năng lượng mới; giấy phép hoạt động điện lực; thị trường điện lực, hoạt động mua bán điện; trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động điện lực và sử dụng điện; vận hành, điều độ hệ thống điện quốc gia; bảo vệ công trình điện lực và an toàn trong lĩnh vực điện; quản lý nhà nước về điện lực
Dự thảo Luật có 9 chương, 119 điều với 6 nội dung định hướng đã được Chính phủ thông qua. Theo đánh giá của các chuyên gia, Dự thảo đã cơ bản đáp ứng được nội dung, yêu cầu đặt ra. Tuy nhiên, vẫn còn một số điều khoản, nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung để phù hợp với tình hình mới, đảm bảo tính khả thi khi đưa vào áp dụng trong thực tế.
Thứ trưởng Trương Thanh Hoài chủ trì cuộc họp
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Trương Thanh Hoài nhấn mạnh, theo kế hoạch, dự thảo Luật Điện lực sửa đổi phải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trong tháng 8/2024. Chính phủ cơ bản thống nhất hồ sơ trình của Bộ Công Thương. Tuy nhiên, vẫn cần tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật này theo đúng tinh thần Nghị quyết 55/NQ-TW, vừa đảm bảo cung cấp điện trước mắt cũng như lâu dài.
Qua nghiên cứu và các ý kiến, cần nghiên cứu, cập nhật một số nội dung như: Đảm bảo an ninh năng lượng, cơ chế tự chủ năng lượng; chương trình phát triển hạ tầng năng lượng; xã hội hóa đầu tư lưới điện truyền tải; lựa chọn nhà đầu tư, phát triển năng lượng xanh; khoa học công nghệ; nhập khẩu năng lượng…
Tại cuộc họp, đại diện EVN, các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập và đại biểu khác đã nêu ý kiến đóng góp bổ sung các nội dung trong dự thảo Luật, trong đó nhấn mạnh đến công tác đảm bảo an ninh năng lượng, cơ chế mua bán điện, quy định về tỷ lệ nội địa hóa.... Cục Điều tiết Điện lực, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đã giải đáp, làm rõ và tiếp thu các ý kiến.
Sau khi nghe ý kiến, Thứ trưởng Trương Thanh Hoài kết luận cuộc họp, trong đó yêu cầu đơn vị chủ trì soạn thảo nghiên cứu, bổ sung các ý kiến của các đại biểu trong cuộc họp với tinh thần trách nhiệm cao, quyết liệt vì an ninh năng lượng quốc gia; hoàn thiện dự thảo chất lượng, tiến độ đặt ra.
Theo kế hoạch đã được Quốc hội thông qua, dự án Luật Điện lực sửa đổi sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).