Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ ba, 17/09/2024 | 04:34 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Tin thị trường điện

Hướng tới phát triển thị trường điện cạnh tranh

25/07/2024
Ngày 3-7, Chính phủ ban hành Nghị định số 80/2024/NĐ-CP quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn. Đây được đánh giá là bước đi có tính đột phá trong lộ trình phát triển thị trường điện cạnh tranh ở Việt Nam; đồng thời giúp các doanh nghiệp sản xuất có cơ hội lựa chọn các nhà cung cấp điện để đạt được chứng chỉ sản xuất xanh.
Mở rộng đối tượng tham gia mua bán điện trực tiếp
DPPA đã được xác định trong Luật Điện lực là nền tảng tiến tới xây dựng thị trường điện cạnh tranh. Đánh giá cao về cơ chế DPPA, ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng: "Việc Chính phủ ban hành Nghị định số 80/2024/NĐ-CP đáp ứng được lòng mong mỏi của các doanh nghiệp trong và ngoài nước".
Về điểm mới nổi bật trong Nghị định số 80/2024/NĐ-CP, ông Phạm Quang Huy, Phó cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương nhấn mạnh, đó là mở rộng đối tượng tham gia mua bán điện năng lượng tái tạo trực tiếp, tức là cả về bên mua và bên bán. Theo đó, sẽ có hai hình thức mua bán, giao nhận điện năng lượng tái tạo. Cụ thể, các bên mua bán điện thông qua đường dây của lưới điện quốc gia; hoặc là các tổ chức, cá nhân tự đầu tư đường dây riêng để mua điện trực tiếp từ nhà máy năng lượng tái tạo.
Khách hàng tiêu thụ điện lớn được mua điện trực tiếp từ các nhà máy năng lượng tái tạo (trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Liên Hạnh, Thái Bình).
Với phương án mua bán điện qua đường dây riêng, bên phát năng lượng tái tạo được tham gia cơ chế này gồm điện mặt trời, điện gió, thủy điện nhỏ, sinh khối, địa nhiệt, sóng biển, thủy triều, hải lưu và điện mặt trời mái nhà. Các dự án này không giới hạn về công suất nhưng phải được cấp giấy phép hoạt động điện lực, hoặc được miễn trừ giấy phép theo đúng quy định của pháp luật. Với phương án mua bán qua lưới điện quốc gia, vẫn chỉ có điện gió và điện mặt trời để bảo đảm hệ thống điện vận hành một cách trơn tru. Việc cho phép điện mặt trời mái nhà có thể tham gia mua bán điện trực tiếp sẽ gỡ vướng cho loại hình năng lượng này.
Động lực mới cho nền kinh tế xanh
Nghị định quy định cơ chế DPPA nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế và khách hàng sử dụng điện, đồng thời kỳ vọng đạt được các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Bởi lẽ, trước đây, các dự án phát triển năng lượng, đối tượng bán thì chỉ có thể bán cho EVN, là đối tượng mua điện duy nhất. Nhưng với nghị định này, người mua sẽ phong phú hơn, đó là những người tiêu thụ trực tiếp và có nhu cầu sử dụng điện năng lượng tái tạo, không chỉ là EVN. Như vậy, với bên bán điện, khi tham gia cơ chế DPPA, họ có thể dự báo được doanh thu trong dài hạn nhờ chủ động tìm khách hàng, đàm phán giá bán.
Với nhóm đối tượng là người mua, trước đây, khách hàng chỉ mua điện qua nguồn EVN. Vì thế, doanh nghiệp sẽ không thể biết là mình mua điện từ dự án nhiệt điện, thủy điện hay năng lượng tái tạo. Thế nhưng, thông qua cơ chế DPPA, doanh nghiệp biết chắc chắn mình đang mua điện từ nguồn nào. Điều này có ý nghĩa rất lớn cho ngành sản xuất, khi hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đang đứng trước yêu cầu xanh hóa ngày càng cao. Thêm vào đó, trong các dự thảo trước, Bộ Công Thương quy định, nhóm khách hàng sử dụng điện lớn này phải có mức tiêu thụ điện năng hằng tháng trên 500.000kWh mới được coi là khách hàng. Nhưng, Nghị định số 80/2024/NĐ-CP đã nới lỏng yêu cầu này, xuống mức 200.000kWh. Việc mở rộng thêm đối tượng được mua điện tái tạo trực tiếp sẽ giúp nhiều doanh nghiệp tiếp cận được nguồn điện sạch hơn.
Nghị định số 80/2024/NĐ-CP sẽ giúp Chính phủ thực hiện nhiệm vụ quản lý để bảo đảm đồng thời nhiều mục tiêu: Đáp ứng xu hướng sử dụng năng lượng sạch của khách hàng sử dụng điện; góp phần thu hút đầu tư vào việc phát triển bền vững năng lượng tái tạo nhằm bảo vệ môi trường; hướng đến việc triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh tại Việt Nam... Việc xây dựng nghị định cũng phù hợp với chủ trương, chính sách của Việt Nam về khuyến khích thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; đồng thời tuân thủ quy định của Luật Điện lực và các văn bản chỉ đạo có liên quan.
Để triển khai hiệu quả cơ chế mua bán điện trực tiếp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại nghị định, trong đó chú trọng các nhiệm vụ về kiểm tra, giám sát việc thực hiện các hợp đồng mua bán điện theo hình thức trực tiếp cũng như giải quyết các khiếu nại, xử lý vi phạm trong quá trình triển khai cơ chế này theo phạm vi khu vực quản lý. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu EVN và các đơn vị trực thuộc khẩn trương tính toán các chi phí sử dụng dịch vụ hệ thống điện trong cơ chế DPPA, xây dựng quy trình kinh doanh, quản lý và tính toán thanh toán, hóa đơn cho khách hàng khi tham gia cơ chế DPPA cũng như thực hiện tốt chức năng quản trị việc đăng ký tham gia và hướng dẫn các đơn vị trong việc tham gia cơ chế DPPA qua lưới điện quốc gia, kiểm tra, giám sát các yêu cầu kỹ thuật nhằm bảo đảm hệ thống điện vận hành ổn định, an toàn và liên tục...
Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 3-7. Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tăng cường triển khai các hoạt động tuyên truyền, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức phổ biến nội dung của nghị định và sẽ đồng hành với các tổ chức, cá nhân triển khai cơ chế này.
Theo QĐND 

Cùng chuyên mục

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151