Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ năm, 12/09/2024 | 12:10 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Hợp Tác Quốc Tế

Đôi nét về ngành điện lực Quốc đảo Cuba

25/07/2024
Để đảm bảo phát triển kinh tế xã hội, trong nhiều thập niên qua, Chính phủ Cuba đã phát huy tối đa nỗ lực và luôn quan tâm đến phát triển ngành năng lượng nói chung và ngành điện nói riêng.
Quốc đảo Cuba như hòn ngọc nằm giữa vùng biển Caribe, hướng ra Đại Tây Dương lộng gió. Với vị trí địa lý bốn bề là biển, Cuba khó có thể nhập khẩu điện từ các quốc gia lân cận nếu thiếu cung ứng. Để đảm bảo phát triển kinh tế xã hội, trong nhiều thập niên qua, Chính phủ Cuba đã phát huy tối đa nỗ lực và luôn quan tâm đến phát triển ngành năng lượng nói chung và ngành điện nói riêng.
Phương châm của Cuba là đẩy mạnh nội lực, khả năng tự lực tự cường, kết hợp với thúc đẩy hợp tác hữu nghị và hội nhập để phát triển ngành điện, góp phần củng cố ngành năng lượng và nền kinh tế quốc dân.
Với phương châm ấy, ngành điện quốc gia này đã không ngừng nghiên cứu tìm tòi, đầu tư xây dựng và áp dụng các biện pháp nhằm phát triển hệ thống điện, đảm bảo cung ứng, sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm. Vấn đề an ninh năng lượng quốc gia, đảm bảo cung ứng điện luôn được nước bạn chú trọng và là nội dung trọng tâm trong những Kỳ Đại hội Đảng các cấp, các kỳ họp Quốc hội, Hội đồng nhân dân, cũng như trong điều hành của Chính phủ và các Bộ ngành có liên quan.
Tại Cuba, nhiệt điện dầu và than chiếm tỷ trọng lên tới 80% tổng biểu đồ phát. Ngoài ra, còn có các nguồn khác nhưng chiếm tỷ trọng thấp như: điện sinh khối 3%, điện mặt trời 1%, điện gió 0,6%.... Do những điều kiện hạn chế về tiềm năng bởi địa hình đảo ít sông suối, Cuba chỉ có thể phát triển mô hình thủy điện nhỏ với quy mô sản lượng thấp.
Hiện nay, để vận hành các nhà máy điện, Cuba nhập khẩu dầu mỏ thông qua các hiệp định, thỏa thuận Chính phủ và thương mại với các đối tác chủ yếu như Venezuela, Iran, Nga…
Nhìn về quá khứ dưới thời Liên Xô, Cuba là quốc gia có nền năng lượng nói chung và ngành điện nói riêng thuộc hàng phát triển tại khu vực. Thông qua cơ chế hàng đổi hàng giữa các nước thành viên, với sản lượng mía đường lớn, Cuba khi ấy luôn có đủ lượng dầu phục vụ phát điện.
Sau khi Liên Xô sụp đổ, tình hình chung của các nước thuộc khối xã hội chủ nghĩa có nhiều khó khăn và Cuba cũng không thể tránh được những tác động tiêu cực. Trong bối cảnh ấy, ngành điện Cuba đã trải qua thời gian khó khăn, nhất là trong những năm đầu kể từ năm 1991 mang tên “Thời kỳ đặc biệt”.
Tuy vậy, với ý chí quyết tâm vượt qua khó khăn, cùng với những nỗ lực của Đảng, Chính phủ và nhân dân, nền kinh tế Cuba trong đó có ngành điện đã từng bước phục hồi, ổn định và đạt được những thành tựu quan trọng. Trong đó, hệ thống điện nói chung được củng cố, mạng lưới điện truyền tải được cải thiện theo năm tháng, tỷ lệ tiếp cận điện năng ngày càng tăng cao.
Từ những năm 2010, ngành điện Cuba đã đẩy mạnh khảo sát, nghiên cứu thu hút đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng mới, năng lượng tái tạo, trong đó có điện mặt trời điện gió, điện sinh khối.
Các chương trình hợp tác đầu tư từ đó được đội ngũ chuyên gia Cuba và các nước triển khai mạnh mẽ. Cuba có tiềm năng thế mạnh về điện mặt trời và điện gió. Trải qua hơn một thập kỷ phát triển, đến nay Cuba đã xây dựng được nhiều dự án điện gió, điện mặt trời tại Miền Trung và Miền Đông. Ở những khu vực này, có nơi tốc độ gió lên tới 6m/giây, tiềm năng phát điện lớn. 
Điện mặt trời cũng đã góp phần quan trọng vào cải thiện và nâng cao chất lượng đời sống sinh hoạt của nhân dân Cuba, nhất là ở các vùng núi miền Đông lãnh thổ, nơi mà điện lưới chưa thể tiếp cận do địa hình đồi núi.
Theo thời gian, ngày càng có nhiều các dự án điện gió, điện mặt trời được hòa lưới, góp phần ổn định cung ứng, đa dạng hóa nguồn cung, giảm dần tỷ trọng điện từ nhiên liệu hóa thạch.
Trong giai đoạn từ năm 2010 đến nay, có nhiều nhà đầu tư nước ngoài tìm hiểu nắm bắt nhu cầu phát triển năng lượng tại đây đã cùng với các cơ quan và chuyên gia Cuba, trong đó có các bộ chủ quản và Liên hiệp Điện Cuba đẩy mạnh nghiên cứu phát triển điện sinh khối, điện rác từ bã mía, là phụ phẩm của ngành công nghiệp mía đường. Trong đó, một số doanh nghiệp nước ngoài, có cả công ty Việt Nam cũng đã quan tâm tìm hiểu khả năng xây dựng nhà máy điện sinh khối, sử dụng nguồn nhiên liệu từ bã mía và cây gai Marabu-loại cây xâm thực có ảnh hưởng đến chất lượng khoảng 2 triệu héc-ta đất canh tác nông nghiệp tại Cuba. 
Cũng đã có những dự án khảo sát điện sinh khối tính đến việc phát triển vùng nguyên liệu trồng cây cao lương phục vụ phát điện. Còn nhiều những ý tưởng nghiên cứu, cũng như giải pháp được các chuyên gia Cuba và quốc tế phối hợp xem xét nhằm gia tăng khả năng tận dụng các nguồn tiềm năng sẵn có, góp phần ổn định cung ứng điện và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Theo tính toán, tiêu thụ điện Cuba giai đoạn từ năm 2000-đến nay tăng trưởng bình quân 11%. Ước tính mỗi năm nhu cầu tiêu thụ điện năng quốc gia này vào khoảng 19,1 tỷ kWh. Tỷ trọng điện năng lượng tái tạo Cuba ước tính tương đương 18,7% tổng biểu đồ (năm 2022).
Cũng trong giai đoạn trên, khai thác khí đốt tại Cuba tăng trưởng bình quân xấp xỉ 14%/năm, với các đối tác chủ yếu đến từ Canada và Trung Quốc. Trong đó, một phần được sử dụng cho phát điện.
Ngành điện nước này đặt ra mục tiêu đến năm 2030, điện từ các nguồn năng lượng tái tạo sẽ chiếm tỷ trọng 24% tổng biểu đồ phát, tương đương công suất khoảng 2144 MW. Được biết tổng công suất toàn hệ thống điện Cuba hiện nay đạt xấp xỉ 7000 MW.
Các điều kiện bất lợi về thời tiết thường gây thiệt hại đối với ngành điện Cuba. Quốc gia này nằm trên đường đi của đa số các cơn bão nhiệt đới tại khu vực. Hàng năm, nhiều cơn bão đạt cấp 5 (tương đương cấp 12) đổ bộ vào Cuba gây thiệt hại lớn, nhất là đối với hệ thống điện, các công trình lưới điện. Mặc dù, ngành điện lực Cuba luôn có các kế hoạch chủ động ứng phó với thiên tai, nhưng trước sức mạnh của thiên nhiên, thiệt hại là điều khó tránh khỏi. Bên cạnh đó, sự khắc nghiệt của các điều kiện cấm vận cũng gây ra nhiều khó khăn cho ngành điện nước này.
Tổng mức phát thải của ngành năng lượng Cuba chiếm tỷ trọng 0,06% tổng phát thải toàn cầu với 21 Mt C02 và kể từ năm 2000 đến nay, mức phát thải CO2 đã giảm tới 25%.
Đạt được kết quả nêu trên là nhờ vào định hướng chính sách phát triển thân thiện với môi trường mà Chính phủ Cuba đã theo đuổi và áp dụng từ nhiều năm trước, cho thấy tầm nhìn chiến lược của nước bạn trong việc hướng tới phát triển kinh tế, đi đôi với chuyển đổi và phát triển nền năng lượng xanh, bền vững.

Việt Phương
(Nguồn: https://www.cubaenergia.cu
https://www.gem.wiki
https://www.bing.com
https://www.iea.org/countries
https://ourworldindata.org/energy)

Cùng chuyên mục

Thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hợp tác dầu khí, năng lượng giữa Việt Nam và Liên bang Nga

11/09/2024

Tiếp tục chương trình thăm chính thức Liên bang Nga và đồng chủ trì Phiên họp lần thứ ba Ủy ban Hợp tác liên Nghị viện Việt Nam - Liên bang Nga, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn có các buổi tiếp lãnh đạo Tập đoàn Gazprom và Tập đoàn Novatexk của Liên bang Nga.

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151