Thiếu hướng dẫn, doanh nghiệp gặp khó
Tro xỉ của nhà máy nhiệt điện được cho là nguồn vật liệu thay thế phục vụ san lấp mặt bằng cho các dự án hạ tầng quan trọng ở Đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh nguồn cát khan hiếm. Tuy nhiên, một lượng lớn tro xỉ vẫn đang “mắc kẹt” vì chưa có hướng dẫn rõ ràng trong quá trình thực hiện, dù được phép sử dụng…
Hiện khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn cát để đầu tư phát triển các dự án hạ tầng kinh tế nói chung và hạ tầng giao thông nói riêng. Tuy nhiên, việc tận dụng nguồn tro xỉ từ các nhà máy nhiệt điện để thay thế một phần nguồn cát lại gặp không ít khó khăn…
Bãi chứa tro xỉ của Công ty Nhiệt điện Duyên Hải (Ảnh: Thu Hường)
Đơn cử như tại Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải, theo số liệu thống kê quý 1/2024, tổng lượng tro xỉ chứa trong các bãi thải của Trung tâm là 4,222 triệu tấn trong đó của Công ty Nhiệt điện Duyên Hải là 3,82 triệu tấn.
Ông Âu Nguyễn Đình Thảo - Phó Giám đốcCông ty Nhiệt điện Duyên Hải cho biết, các sản phẩm tro xỉ của Trung tâm đã được Viện Khoa học công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng) lấy mẫu thử nghiệm cho kết quả đạt tiêu chuẩn và được cấp chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy, tức đạt tiêu chuẩn sử dụng cho san lấp (theo TCVN 12249:2018) cũng như sử dụng cho bê tông, vữa xây và xi măng (QCVN 16:2023/BXD của Bộ Xây dựng).
Được biết, Công ty Nhiệt điện Duyên Hải đã đấu giá 1 triệu tấn tro xỉ tại bãi xỉ Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3. Tuy nhiên, đến nay việc đưa tro xỉ vào các công trình xây dựng vẫn gặp nhiều khó khăn, bất cập như: Tại mục 9.3 Quyết định 216/QĐ-BXD ngày 28/3/2019 về việc ban hành Chỉ dẫn kỹ thuật “Sử dụng tro xỉ nhiệt điện đốt than và san lấp” (Quyết định số 216), quy định “yêu cầu kiểm soát chỉ số hoạt động phóng xạ, nồng độ hoạt động độ phóng xạ và nồng độ khí radon (Ra) khi thi công khối san lấp”; mục 5.3 của TCVN 12660:2019 Tro xỉ Nhiệt điện đốt than làm nền đường ô tô: “Công tác kiểm tra nghiệm thu nền đường đắp bằng tro xỉ nhiệt điện hoặc hỗn hợp tro xỉ nhiệt điện phải phù hợp với các quy định tại điều 12 TCVN 9436:2012".
Ngoài ra, phải đáp ứng yêu cầu đối với nước chiết và độ phóng xạ an toàn quy định tại TCVN 12249:2018”. Đối với việc quan trắc độ phóng xạ theo quyết định 216 và TCVN 12660:2019 khi thi công, kiểm tra, nghiệm thu chưa được nêu cụ thể số lần, vị trí lấy mẫu, nên gặp khó khăn trong thực hiện đảm bảo tuân thủ đúng quy định khi sử dụng tro xỉ để san lấp hoặc làm nền đường ô tô.
Đối với yêu cầu bảo vệ môi trường khi xử sụng tro xỉ san lấp, quy định tại mục 10 của chỉ dẫn kỹ thuật kèm theo quyết định số 216 thì các tổ chức, cá nhân sử dụng tro xỉ để san lấp phải đảm bảo yêu cầu an toàn lao động và bảo vệ môi trường, trong đó điều kiện chỉ có những công trình/dự án quy mô lớn mới có thể triển khai, (nghĩa là công trình san lấp bằng tro xỉ nhiệt điện phải thỏa mãn các điều kiện về môi trường, trước khi san lấp phải tiến hành phân tích nước và phóng xạ của khu vực san lấp và thu thập các tài liệu liên quan, nước rỉ từ khối san lấp trước khi thoát thải ra ngoài môi trường phải đảm bảo yêu cầu đối với tiêu chuẩn nước thải tương ứng…) nên còn hạn chế về các công trình tiêu thu tro xỉ làm vật liệu san lấp do các điều kiện trên khó thực hiện với những dự án quy mô nhỏ dẫn đến khó cạnh tranh so với các vật liệu san lấp khác tại địa phương.
Liên quan việc này, tại báo cáo số 183/BC- UBND của UBND tỉnh Trà Vinh về “Tình hình quản lý, tiêu thụ tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện của tỉnh Trà Vinh” gửi đến Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, nêu rõ, mục 9.3 của quyết định 216 quy định: “yêu cầu kiểm soát các chỉ số hoạt động độ phóng xạ, nồng độ hoạt động phóng xạ và nồng độ khí radon (RA- một loại khí phóng xạ) khi thi công khối san lấp”.
Tuy nhiên, việc quan trắc độ phóng xạ theo quyết định 216 khi thi công, kiểm tra, nghiệm thu chưa nêu cụ thể “số lần, vị trí lấy mẫu” nên gặp khó khăn trong thực hiện đảm bảo tuân thủ đúng quy định khi sử dụng tro xỉ để san lấp.
Theo UBND tỉnh Trà Vinh, mục 10 của chỉ dẫn kỹ thuật được ban hành kèm theo quyết định 216 về an toàn lao động và bảo vệ môi trường yêu cầu các tổ chức, cá nhân khi sử dụng tro xỉ để san lấp phải đảm bảo các yêu cầu, bao gồm “công trình san lấp bằng tro xỉ nhiệt điện phải thỏa mãn các điều kiện về môi trường; trước khi san lấp phải tiến hành phân tích nước và phóng xạ của khu vực san lấp và thu thập các tài liêu liên quan; nước rỉ từ khối san lấp trước khi thoát ra môi trường phải đảm bảo yêu cầu đối với tiêu chuẩn nước thải tương ứng…”
Rõ ràng, yêu cầu nêu trên gây hạn chế cho việc sử dụng tro xỉ làm vật liệu san lấp do yêu cầu này khó thực hiện với những dự án quy mô nhỏ, dẫn đến khó cạnh tranh với các vật liệu san lấp khác.
“Công ty nhiệt điện Duyên Hải đã có kiến nghị với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh và một số đơn vị liên quan đề nghị có hướng dẫn, làm rõ hơn quyết định 216 để có thể phổ biến, sử dụng đại trà tro xỉ làm vật liệu san lấp thay cho cát như hiện nay, cụ thể: “Các tiêu chuẩn hợp chuẩn, hợp quy đã đạt làm vật liệu san lấp, nhưng hướng dẫn sử dụng chưa rõ, thành ra người sử dụng cũng lo””- ông Âu Nguyễn Đình Thảo cho biết.
Đâu là nguyên nhân?
Ngày 26/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg về đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong công trình xây dựng.
Chỉ thị nêu rõ, trong thời gian qua, do nhiều nguyên nhân khác nhau, việc xử lý, tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra, lượng tiêu thụ chưa cân bằng với lượng phát thải…
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế và tiếp tục đẩy mạnh việc xử lý, tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao phát thải từ các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón, Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu các ứng dụng mới đối với sử dụng tro, xỉ, thạch cao; tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật về việc xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng…đẩy mạnh việc sử dụng các sản phẩm vật liệu xây dựng có sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm phụ gia hoặc nguyên liệu.
Tuy nhiên, sau hơn 3 năm Chỉ thị của Thủ tướng ban hành, các doanh nghiệp nhiệt điện than vẫn phải chờ hướng dẫn từ Bộ Xây dựng, mặc dù đã có nhiều văn bản kiến nghị của các địa phương có nhà máy nhiệt điện than, doanh nghiệp và cả của Bộ Công Thương.
Doanh nghiệp tham quan thực tế tại bãi chứa tro xỉ của Công ty Nhiệt điện Duyên Hải (Ảnh: Thảo Huyền)
Trước đó, vào tháng 11/2023, tại Hội thảo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác tiêu thụ tro xỉ của các nhà máy Nhiệt điện, phân bón, hóa chất do Bộ Công Thương tổ chức ở Quảng Ninh, nhiều doanh nghiệp cũng đã nêu lên những khó khăn, bất cập trong tiêu thụ tro xỉ mà chuyên nhân chính là từ quyết định 126.
Ông Nguyễn Văn Cường, Trưởng phòng An toàn, Tổng công ty Điện lực -TKV cho biết: Hiện nhà nước đã ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn để ứng dụng tro xỉ trong ngành giao thông, xây dựng...nhưng cơ chế chính sách khuyến khích các chủ đầu tư các công trình tiếp nhận và sử dụng chưa quyết liệt triệt để.
“Mặc dù, tro, xỉ của nhà máy là sản phẩm hàng hóa, đã được hợp chuẩn, hợp quy theo TC, QCVN, nhưng trong thực tế khi có những tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng tro, xỉ của nhà máy để san lấp mặt bằng, làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng…đã phát sinh những vướng mắc trong các quy định của văn bản pháp luật, các vướng mắc về cơ chế, chính sách, trong đó có một số quy định tại quyết định 216 của Bộ Xây dựng”- ông Cường cho hay.
Theo ông Cường, tro xỉ theo quy định hiện nay được xem là chất thải rắn công nghiệp thông thường và được quản lý như hàng hóa đầu vào của các ngành khác. Tuy nhiên chưa có hướng dẫn cụ thể của cơ quan quản lý nhà nước về các thủ tục pháp lý sử dụng tro xỉ như hàng hóa.
Còn ông Lưu Việt Đức - Phó Giám đốc Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 chia sẻ, tro xỉ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đã được đánh giá, cấp chứng nhận hợp chuẩn, hợp qui phù hợp cho bê tông, vữa xây dựng và xi măng, làm vật liệu xây san lấp, làm nền đường ô tô… Tuy nhiên, với khối lượng tro xỉ tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân khoảng 3 triệu tấn/năm và lượng tro xỉ tại các Trung tâm Điện lực khác, nên nếu chỉ sử dụng tro xỉ làm phụ gia xi măng sẽ vượt quá khả năng tiêu thụ hết.
“Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định tro xỉ được phân định là chất thải rắn công nghiệp thông thường đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật…Tuy nhiên, tại Quyết định 216/QĐ-BXD ngày 28/3/2019 về việc ban hành Chỉ dẫn kỹ thuật “sử dụng tro xỉ nhiệt điện đốt than vào san lấp” có một số yêu cầu rất khắt khe khi sử dụng tro xỉ làm vật liệu san lấp”- ông Đức cho hay.
Để đẩy mạnh công tác tiêu thụ tro xỉ, ông Đức kiến nghị: Bộ Xây dựng xem xét hướng dẫn chỉ dẫn kỹ thuật “sử dụng tro xỉ nhiệt điện than vào san lấp” theo quyết định 216/QĐ-BXD ngày 28/3/2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần sớm ban hành Quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật về xử lý, sử dụng tro, xỉ để hoàn nguyên các khu vực đã kết thúc khai khoáng theo quy định của pháp luật; Bộ Giao thông vận tải cần sớm bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật, quy định sử dụng tro, xỉ làm vật liệu xây dựng đường giao thông.
Trong khi đó, đại diện Sở Công Thương Thái Bình cho hay, tỉnh Thái Bình cũng đã đề nghị sử dụng tro, xỉ của Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình cho san lấp đường, làm được giao thông nông thôn nhưng cũng vướng bởi các quy định của Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải.
Theo đại diện Sở Công Thương Thái Bình, hiện tro, xỉ là hàng hóa, do vậy cách đối xử với tro, xỉ hoàn toàn khác với chất thải. Đã là hàng hóa, phải quản lý đến tận công đoạn cuối cùng. Tuy nhiên chính sách chưa rõ ràng.
“Trong những năm tới, nhu cầu san lấp các công trình xây dựng, giao thông rất nhiều, nhất là Việt Nam có bờ biển dài hơn 3.260km, đặc biệt là Đồng bằng sông Cửu Long có nhu cầu san lấp rất lớn. Hướng dẫn tiêu chuẩn quy chuẩn, định mức kỹ thuật chưa có? Sử dụng tiền của Nhà nước không có hướng dẫn cụ thể thì không doanh nghiệp nào dám làm.”- đại diện Sở Công Thương Thái Bình nhấn mạnh.
Tại báo cáo 183, UBND tỉnh Trà Vinh đã kiến nghị Bộ Xây dựng tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện các giải pháp và có cơ chế ưu tiên sử dụng tro xỉ phát sinh từ các nhà máy nhiệt điện để làm vậy liệu san lấp các công trình giao thông, vật liệu xây dựng các công trình xây dựng, đồng thời xem xét, điều chỉnh quyết định số 216 ( Mục 9.3, mục 10…) để tạo điều kiện cho sử dụng tro xỉ phát sinh từ các nhà máy nhiệt điện để làm vật liệu san lấp.
Kiến nghị Bộ Tài chính hướng dẫn về cơ chế tài chính, các chính sách hỗ trợ, ưu đãi để hỗ trợ các chính sách ưu tiên sử dụng tro xỉ làm vật liệu san lấp, xây dựng cho các công trình xây dựng để thay thế các vật liệu tự nhiên, đáp ứng nhu cầu đang thiếu hụt vật liệu san lấp đối với các dự án xây dựng, giao thông.
Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn tro xỉ nhiệt điện làm vật liệu san lấp đã ban hành, sớm xem xét điều chỉnh sao cho phù hợp với thực tế, kinh tế và làm giảm tác động môi trường.
Thu Hường