Công ty Truyền tải điện 3 tiếp tục điều quân hỗ trợ thi công vị trí số 52 Dự án Đường dây 500kV Quảng Trạch (Quảng Bình) – Quỳnh Lưu (Nghệ An) tại huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh.
Các Tổ xung kích Đắk Lắk, Bình Định, Bình Thuận và Lâm Đồng cũng đều di chuyển đến vị trí mới để tiếp tục thi công.
Những giọt mồ hôi và khát vọng cháy bỏng
Xuất phát từ Hà Nội vào 6 giờ sáng, đến 13 giờ chiều chúng tôi đã có mặt tại Thị xã Kỳ Anh, một huyện ở điểm nút phía Nam của tỉnh Hà Tĩnh. Vùng đất xa xôi này không chỉ thường xuyên sôi động vì các cuộc chiến tranh trong lịch sử, mà cho đến cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đây vẫn là chiến địa nóng bỏng.
Sách sử ghi lại, Đường quốc lộ 1A chạy qua đầu huyện (xã Kỳ Bắc) đến cuối huyện (xã Kỳ Nam), làm cho vùng đất giáp Đèo Ngang này thành điểm nút giao thông quan trọng. Là hậu cứ trực tiếp của chiến trường, nên Kỳ Anh đã trở thành cái túi hứng chịu bom đạn của máy bay Mỹ, của trọng pháo địch từ ngoài biển câu vào, chưa kể đến những trận mưa bom vô cớ mà những giặc lái về qua đây thường trút hết cho nhẹ trước khi tẩu thoát ra biển. Chỉ tính riêng xã Kỳ Trinh nhỏ bé (3 thôn), nhưng có tới 12 chiếc cầu với tổng chiều dài 50m, trên đoạn đường dài 6km của quốc lộ 1A đi qua. Trong những năm chiến tranh, không quân, hải quân Mỹ đã đánh vào đoạn đường này 747 lần với 6.500 quả bom, làm sập 4 cầu lớn và đánh vào vùng dân cư 2.522 lần với 10.640 quả bom; 1.750 quả rốc két; 650 quả bom bi mẹ (chứa 478.500 quả bom bi con); 127 quả đại bác, chưa kể các loại pháo khác....
Vị trí số 52 Dự án Đường dây 500kV Quảng Trạch (Quảng Bình) – Quỳnh Lưu (Nghệ An) nằm trên dãy Hoành Sơn trên địa bàn huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh với độ cao 270m so với mực nước biển.
Vị trí 52 cung đoạn Đường dây 500kV Quảng Trạch – Quỳnh Lưu nằm phía Bắc dãy núi Hoành Sơn, vùng đất chiến địa xưa nay đã được phủ xanh bởi nhiều loại lâm sản, như: Dâu, sim, muông, quả chòi mòi, củ mài, lá kim ngân, lá vằng, rau má, hạt dẻ...chúng mọc ken dày nương tựa vào nhau để chống chọi với mưa gió. Đường lên vị trí 52 khá vất vả. Anh Huỳnh Quang Thịnh – Trưởng phòng Kỹ thuật đón chúng tôi từ Thị xã Kỳ Anh. Đường rất khó đi, phải vượt qua 8km qua cánh rừng keo tràm, lối đi ngoắt ngoéo, quanh co, đường đất lầm bụi. Đến chân đèo, thì xe phải dừng lại. Từ đây lên vị trí thi công còn gần hai ki-lô-mét nữa, nhưng do độ dốc cao và đường rất xấu nên phải leo bộ. Mặc dù đã được san ủi nhưng con đường lên dốc đèo như vừa trải qua trận lũ ống lũ quét, chỉ còn những cục sỏi to bằng đầu người nằm ngang dọc giữa đường, gập ghềnh bạc màu sỏi đá. Đây là con đường mà hàng ngày anh em đi lên tuyến làm việc.
Giữa bạt ngàn rừng thông, keo tràm hoang vu, những mái lều che chắn bạt được nhanh chóng dựng ngay sau khi Tổ xung kích nhận vị trí hỗ trợ thi công. Mọi công việc ở đây, tất thảy đều chạy đua với thời gian để hoàn thành công việc một cách sớm nhất. Dưới nắng trưa xanh ngắt hay bầu trời vần vũ mây đen, màu áo cam của những người lính truyền tải vẫn lặng lẽ với ý chí kiên trì, bền bỉ để hoàn thành khối lượng công việc đồ sộ trong khoảng thời gian ngắn nhất, đảm bảo chất lượng công trình và thời gian tiến độ.
Hoàn thành công việc hỗ trợ thi công vị trí 37 Dự án Đường dây 500kV NMNĐ Nam Định 1 – Phố Nối trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, 30 cán bộ công nhân Tổ xung kích Truyền tải điện Gia Lai tiếp tục lên đường nhận nhiệm vụ và cùng với các Tổ xung kích Truyền tải điện Khánh Hòa, Truyền tải điện Ninh Thuận hỗ trợ thi công vị trí số 52 đường dây 500kV Quảng Trạch – Quỳnh Lưu.
Anh Hà Thanh Xuân chia sẻ, mặc dù công việc rất nặng nhọc nhưng các anh em đến từ các đơn vị truyền tải: Gia Lai, Khánh Hòa, Ninh Thuận đều đoàn kết chia sẻ và động viên nhau hoàn thành nhiệm vụ. Đây chính là điều kiện để những người lính truyền tải rèn luyện, nâng cao khả năng, sức chịu đựng, sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ trong mọi tình huống.
Chỉ riêng đường đi lối lại đã thấy đây là vị trí rất khó thi công, chưa kể thời tiết khắc nghiệt. Do dãy Hoành Sơn là một chi núi của Trường Sơn Bắc mọc lấn ra biển Đông, nằm giữa hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình, đồng thời, cũng là ranh giới khí hậu: Hà Tĩnh thuộc khí hậu Bắc, mùa đông có gió mùa Đông Bắc mạnh còn mùa hè thì gió Lào nóng dữ dội; lượng mưa rất lớn, 3000mm/năm và bão cũng rất nhiều.
Đang là mùa khô nên khi ngừng mưa thì những đám mây dần rút đi, để lại trong mênh mông một màu trắng pha xanh bồng bềnh khiến vòm trời càng vút cao, vời vợi, nắng đậm màu phủ vàng mặt đất. Phía Tây của dãy núi, những đám mây vội vã như đang tìm về một nơi nào đó, còn ở sườn phía Đông, những cơn gió Lào hút vào lòng khe tưởng như không có đáy.
Muỗi. Vừa lên được vị trí thi công, chúng tôi bị những đàn muỗi tấn công. Tổ trưởng Tổ xung kích Truyền tải điện Gia Lai Hà Thanh Xuân nói, những ngày nắng nóng thì không có muỗi, nhưng mưa xuống, chúng cứ như từ dưới đất chui lên dày đặc, những con muỗi vằn nhỏ chích khá đau.
Thiết bị cứu hộ trên cao được đưa vào áp dụng tại vị trí 52, giúp công nhân giảm bớt mất sức khi làm việc trên cao và đảm bảo thi công được lâu dài. Anh Huỳnh Quang Thịnh cho biết, cột tại vị trí 52 là loại cột ống (DO), là một trong 123 vị trí cột ống trên toàn tuyến đừng dây 500kV từ Quảng Trạch ra Phố Nối và là một trong 17 vị trí cột DO của cung đoạn Quảng Trạch – Quỳnh Lưu. Đây là loại cột DO lần đầu tiên được áp dụng trên hệ thống 500kV tại Việt Nam. Cột 52 có chiều cao 89m, trọng lượng 133 tấn. Do thiết kế cột DO không có chân trèo như các cột thép hình truyền thống, các đoạn ống nỗi với nhau bằng các mặt bích bởi bộ bu- lông, tại các đầu ống không có điểm đứng để thao tác lắp ghép các đoạn ống, nên để thực hiện việc hỗ trợ trên cao, Tổ xung kích của PTC3 phải gia công nhiều ghế thao tác.
Chúng tôi có mặt trên công trình, cột 52 đã dựng được ở độ cao hơn 60m, khi trời đã xế chiều nhưng nắng trên dãy Hoành Sơn vẫn như giữa trưa, sau trận mưa buổi sáng trời vẫn không một gợn gió, hơi nóng hầm hập bốc lên từ mặt đất khiến khuôn mặt các anh những ngày “về đích” thêm đen sạm, họ đang miệt mài với công việc, với khẩu lệnh hô qua loa từ bên dưới vẫn vọng đều.
Công nhân PTC3 lắp đặt thiết bị để chuẩn bị kéo dây tại vị trí 17 DZ 500kV Nhà máy Nhiệt điện Nam Định 1- Phố Nối.
Công nhân PTC3 lắp đặt thiết bị để chuẩn bị kéo dây tại vị trí 17 DZ 500kV Nhà máy Nhiệt điện Nam Định 1- Phố Nối.
Vị trí 52 nằm trên dãy Hoành Sơn và 42 con người đang góp phần làm nên kỳ tích cho Việt Nam và ngành Điện Việt Nam. Rồi mai sau, mỗi gốc cây, mỗi tảng đá, mỗi giọt nước tí tách đã ngàn năm rồi và cả ngàn năm sau sẽ kể mãi câu chuyện về kỳ tích này, về những con người làm đổi thay bất tận của thế giới tự nhiên. Nó sẽ được gắn với lịch sử được viết bằng mồ hôi, sức lực và khát vọng bỏng cháy của những người làm điện.
Điều làm cho tôi nhớ mãi là được tận hưởng hoàng hôn cùng những người lính truyền tải PTC3 trên công trình xây dựng đường dây 500kV Quảng Trạch – Quỳnh Lưu chờ nắng tắt phía lưng đồi.
Gốc sâu, rễ bền
PTC3 hỗ trợ thi công vị trí 171 Đường dây 500kV Quỳnh Lưu – Thanh Hóa.
Thời tiết năm nay cứ đỏng đảnh như một kẻ đa tình. Mưa đột ngột, hối hả nhưng chỉ chưa đầy một giờ đồng hồ đã tạnh như chưa hề có trận mưa nào.
Tại vị trí 171 Đường dây 500kV Quỳnh Lưu – Thanh Hóa, Tổ xung kích bao gồm các Truyền tải: Đắk Lắk, Bình Thuận và Khánh Hòa đang kiểm tra thiết bị để tiến hành hỗ trợ thi công. Anh Trần Ngọc Tuyến cho biết, anh em vừa hỗ trợ hoàn thành vị trí cột 179 Đường dây 500kV NMNĐ Nam Định 1 – Phố Nối ở Thái Bình là cột néo một thân, có chiều cao 58m và trọng lượng 132 tấn và di chuyển vào Thanh Hóa tiếp tục hỗ trợ thi công vị trí 171 là cột néo hai thân, có chiều cao 62m và trọng lượng 140 tấn.
Tại vị trí 188 Đường dây 500kV Quỳnh Lưu- Thanh Hóa, Tổ xung kích gồm các Truyền tải: Bình Thuận, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Lâm Đồng và Gia Lai cũng đang vận chuyển thiết bị cho việc thi công vị trí mới. Đây là Tổ xung kích mới được tăng cường thêm để hỗ trợ thi công xuất tuyến TBA 500kV Thanh Hóa, hỗ trợ thi công Đường dây 220kV Ba Chè – TBA 500kV Thanh Hóa, Nông Cống – TBA 500kV Thanh Hóa.
Các đội xung kích luôn nhận được sự giúp đỡ, động viên từ “hậu phương” của lãnh đạo và CBCNV PTC3. Tổ xung kích Truyền tải điện Đắk Nông, Gia Lai đang thực hiện đấu nèo vị trí 17 Đường dây NMNĐ Nam Định 1 – Phố Nối. Tổ trưởng Nguyễn Hùng Cường cho biết, ngày 19-05-2024, Tổ xung kích Truyền tải điện Đắk Nông và Gia Lai nhận nhiệm vụ hỗ trợ thi công vị trí 167 Đường dây NMNĐ Nam Định 1 – Phố Nối, sau 13 ngày hoàn thành phần lắp dựng vị trí này. Ngày 03-06-2024, di chuyển về kéo dây Đường dây 500kV NMNĐ Nam Định 1 – Thanh Hóa, là đơn vị đầu tiên hoàn thành hỗ trợ kéo dây khoảng néo từ 10 – 12. Ngày 21-06-2024, Tổ xung kích tiếp tục tham gia đấu nèo tại ba vị trí cột néo 10 – 12 và 17 của Đường dây 500kV NMNĐ Nam Định 1 – Thanh Hóa.
Phó Giám đốc PTC3 Đinh Văn Cường thường trực với anh em xung kích ngay từ những ngày đầu, anh nói, thời tiết nắng nóng và mưa bất thường, nên các Tổ xung kích luôn điều chỉnh thời gian làm việc trên tuyến cho phù hợp thực tế và duy trì thời gian ăn, ngủ, nghỉ đúng giờ, chế độ ăn uống đảm bảo đầy đủ nên sức khỏe anh em ổn định, nhanh thích nghi với điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Nhìn cách mà những người lính PTC3 làm việc bằng cả trái tim khao khát cho dòng điện huyết mạch và tấm lòng yêu nghề. Nhìn cái cách mà họ đến với công trình Đường dây 500kV mạch 3 bằng sự tự nguyện, bỏ lại tất cả những vui - buồn, hơn - thua, được - mất để bước vào cuộc thử thách khốc liệt, chấp nhận gian khổ, tôi liên tưởng loài cây Thiên Sơn tuyết liên, chỉ mọc ở những khe núi đá cao, từ mảnh đất cằn cỗi, ít ỏi, địa hình hiểm trở, cheo leo giữa mây và tuyết, chỉ nở hoa trong cái giá lạnh không dành cho sự sống; càng trong những thử thách nghiệt ngã của cuộc đời thì tâm hồn họ càng tỏa sáng. Những người lính PTC3 là như vậy đó.
Khắp các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An... vào giữa những ngày nắng nóng, như một chiếc “chảo lửa” gió thổi thốc vào mặt nghe ran rát. Trong cái nồng nàn của thời tiết mới thấy được cái khó nhọc của những người lao động trên công trình Đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch ra Phố Nối. Nắng đã làm cho làn da người họ chuyển màu đồng hun, ánh mắt thêm sâu, cháy khét mái đầu. Cái nắng nghiệt ngã, bỏng rát nhưng không làm họ nản chí.
Trong trái tim của những người lính PTC3 luôn tràn đầy hình ảnh cát trắng, gió Lào và bão lũ triền miên nơi mà hàng năm họ phải chống chọi để quản lý vận hành đường dây truyền tải được an toàn. Những nhọc nhằn vẫn nguyên trong tà áo mẹ. Cái lam lũ như nằm trong máu thịt của người lính PTC3.
Thời tiết chợt nắng gắt, chợt mưa giông không cản được bước chân những người lính xung kích màu áo cam đang ngày đêm vì dòng điện của Tổ quốc.
Nắng cháy da thịt hun đúc lên sự mạnh mẽ; mưa gió gầm gào tạo nên sự trưởng thành; cằn cỗi, khắc nghiệt tôi luyện người lính truyền tải. Âu đó cũng là tinh hoa tiết ra từ đất như cây xương rồng trên cát, dẫu nghiệt ngã đến mùa vẫn nở nụ đơm hoa.
Những người lính PTC3 khiến tôi nhớ đến giai điệu của những bài chòi mộc mạc, kiêu hãnh, tự sâu thẳm vẫn mang giai điệu có sự khắc nghiệt, có sự bao dung.
Muốn có được những điều này thì văn hóa ở PTC3 luôn phải là nền tảng vững chắc. “Cuộc sống số” ngày càng chi phối đến chúng ta nhiều hơn. Chúng ta có thể chẳng cần bước chân ra khỏi nhà, chẳng cần một đồng tiền mặt... nhưng chỉ cần có internet thì mọi thứ đều có thể cung cấp cho chúng ta đầy đủ, nhưng muốn có văn hóa trên môi trường số thì con người cũng phải tử tế ở chính “không gian thật”.
Tôi chợt nhớ đến câu chuyện quả dưa hấu của Mai An Tiêm. Dù bị đày ra hoang đảo, nhưng khi thu hoạch được mùa dưa ngọt lành, ông đã thả xuống bể, hy vọng nó sẽ trôi dạt tới quê hương. Mai An Tiêm gieo quả quả dưa xuống biển, nhận về “chuyến thuyền giải cứu” bởi chắc chắn vua hiểu được rằng, một người tử tế như thế, không thể nào là người cướp ngôi, người dám làm chuyện ác.
Những ngày trên tuyến cùng anh em PTC3, tôi nhận ra Văn hóa ở PTC3 “gốc rất sâu, rễ rất bền”, bão tố của thiên nhiên khắc nghiệt và phong ba của xã hội không dễ gì lay chuyển được cây văn hóa nơi này.