Trong những ngày qua, tiêu thụ điện năng của Iran đã vượt ngưỡng công suất 73.645 MW, tăng xấp xỉ 200 MW so với mức đỉnh tiêu thụ vào giữa mùa hè năm ngoái. Đây là thông tin được đại diện Công ty Sản xuất, Truyền tải và Phân phối điện Iran TAVANIR công bố chính thức với báo giới.
Ước tính tiêu thụ điện năng quốc gia này đã tăng trưởng 10% so với cùng kỳ năm 2023. Điều này chưa từng xảy ra tại Iran vào thời điểm cuối mùa xuân như hiện nay. Lý do tăng tiêu thụ điện năng được cho là do nắng nóng quá độ, nền nhiệt không ngừng tăng lên buộc người dân phải sử dụng các thiết bị điều hòa và làm mát.
Nhằm đáp ứng nhu cầu điện năng trên cả nước vào đỉnh điểm mùa hè, Bộ Năng lượng Iran đã khởi động và triển khai một số chương trình để gia tăng năng lực sản xuất điện, cũng như quản lý khâu tiêu thụ, hướng tới tiết kiệm, sử dụng điện năng hiệu quả. Theo đó, Bộ này đang nghĩ tới sáng kiến chính sách thưởng cho các hộ tuân thủ tiêu thụ tiết kiệm và có hình thức “phạt” cộng vào hóa đơn đối với những hộ vượt quá mức tiêu thụ nhất định.
Trong khoảng một thập niên trở lại đây, nhiệt độ tăng dần, cùng với lượng mưa giảm dần đã đẩy công tác cung ứng điện Iran vào tình huống khó khăn, nhất là vào những thời điểm tiêu thụ điện năng đạt đỉnh.
Trong bối cảnh ấy, Công ty Điện lực Quốc gia Iran đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để xử lý tình huống và ngăn chặn mất điện. Trong đó, có việc đẩy nhanh các dự án năng lượng tái tạo đang được triển khai trên cả nước. Hiện nay, Iran có khoảng 13000 MW công suất đang được triển khai xây dựng. Trong đó, riêng ở hai tỉnh mạnh nhất về năng lượng tái tạo nằm ở phía Đông Nam là Sis-tan và Ba-lou-ches-tan, các dự án điện gió và địa nhiệt đang được tích cực triển khai với tổng công suất ước tính đạt xấp xỉ 700 MW. Bên cạnh đó, tại một số tỉnh phía Bắc, Iran cũng đang nỗ lực triển khai một số dự án điện năng lượng tái tạo với công suất giao động từ 10-60 MW/dự án nhà máy.
Tiềm năng điện gió tại vùng phía Nam Iran được đánh giá khá cao, nhất là khu vực Mil Nader, ở phía Bắc của tỉnh Sistan và Balouchestan, trong đó có nhà máy điện gió đã đi vào vận hành, cho sản lượng lên tới 210,000 MWh.
Theo các chuyên gia Iran, điện gió không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của các tỉnh phía Nam, mà còn đóng góp sản lượng cho xuất khẩu điện năng sang quốc gia láng giềng Af-gha-nis-tan.
Việt Phương
(Nguồn: https://www.tehrantimes.com/news
https://www.iea.org/)