Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ tư, 09/10/2024 | 23:00 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Thông tin báo chí

Nỗ lực đảm bảo điện cho nền kinh tế, hóa giải nỗi lo thiếu điện

29/05/2024
Nhu cầu điện cho phát triển kinh tế xã hội vẫn duy trì ở mức khá cao khoảng 8-9%/năm tới năm 2030. Vì vậy, Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ đảm bảo khả năng cung cấp điện, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế.
Loạt giải pháp cấp bách
Theo số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tính đến cuối năm 2023, tổng công suất nguồn điện toàn hệ thống đạt khoảng 80.555 MW, tăng xấp xỉ 2.800 MW so với năm 2022.
Trong đó, tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) là 21.664 MW, chiếm tỷ trọng 26,9%; thủy điện (bao gồm thủy điện nhỏ) là 22.872 MW, chiếm tỷ trọng 28,4%; nhiệt điện than là 26.757 MW, chiếm tỷ trọng 33,2%; nhiệt điện khí 7.160 MW, chiếm tỷ trọng 8,9%. (làm biểu đồ)
Hệ thống điện Việt Nam có quy mô đứng thứ 2 Đông Nam Á và thứ 23 trên thế giới. Theo báo cáo của Bộ Công Thương, các chỉ tiêu về độ tin cậy cung cấp điện đã được cải thiện tích cực; tỷ lệ điện năng tổn thất do truyền tải và phân phối giảm từ 7,94% năm 2015 xuống còn xấp xỉ 6,5% năm 2020 và 6,24% năm 2022, tương đương với nhiều nước phát triển trên thế giới.
Song, hệ thống điện đang đối mặt nhiều nỗi lo về khả năng đáp ứng nguồn cung. Kể từ sau đợt thiếu điện cục bộ vào tháng 5/2023, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp để đảm bảo nguồn cung điện.
Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ đảm bảo khả năng cung cấp điện cho nền kinh tế. Ảnh: EVN
Để đáp ứng nhu cầu điện ngày càng cao, ngày 15/5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (quy hoạch điện 8). Quy hoạch điện 8 là căn cứ quan trọng để triển khai các dự án nguồn điện đáp ứng nhu cầu không ngừng tăng của kinh tế và xã hội, giải bài toán cơ cấu về nguồn điện, kết hợp điện năng lượng tái tạo với nguồn truyền thống. Đến ngày 1/4/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8. Đây là cơ sở để đẩy nhanh tiến độ các dự án nguồn điện mới, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế, sinh hoạt của nhân dân.
Trong khi các nguồn nhiên liệu có hạn, Việt Nam đã phải nhập khẩu các nguồn năng lượng sơ cấp cho sản xuất điện như than, dầu, khí. Trong bối cảnh đó, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một trong những nội dung cũng được Chính phủ coi trọng. Do đó, ngày 8/6/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023- 2025 và các năm tiếp theo, trong đó đặt ra nhiều mục tiêu cụ thể như: Hằng năm tiết kiệm tối thiểu 2% tổng điện năng tiêu thụ trên toàn quốc, thay thế 50% đèn led trong chiếu sáng công cộng, 50% sử dụng điện mặt trời mái nhà tại các công sở và nhà dân…
Các tính toán cho thấy, chỉ cần tiết kiệm được 2% lượng điện năng tiêu thụ đúng như yêu cầu đặt ra tại Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ, mỗi năm cả nước sẽ tiết kiệm được khoảng 5 tỷ kWh điện. Sản lượng điện này tương đương với lượng điện của một nhà máy nhiệt điện có công suất 1.200 MW.
Ngoài ra, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã thúc đẩy triển khai dự án đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối, để đáp ứng việc truyền tải điện từ miền Trung, Nam ra Bắc. Dưới sự chỉ đạo rốt ráo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các thủ tục đầu tư liên quan đến đầu tư tuyết đường dây quan trọng này được phê duyệt với cấp tốc.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo EVN khẩn trương hoàn thành dự án đường dây 500 kV mạch 3 (519 km) từ Quảng Trạch đến Phố Nối đưa vào sử dụng trước ngày 30/6/2024.
Lãnh đạo Chính phủ cũng thường xuyên đi kiểm tra thực tế tiến độ dự án ngay tại công trường, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh; đốc thúc các bộ, ngành, địa phương đơn vị tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ dự án. Nhờ đó, việc triển khai đường dây 500 kV mạch 3 đã và đang làm tốt, như giải phóng mặt bằng, xây dựng móng, cột, kéo dây.
Đảm bảo cung ứng điện cho nền kinh tế là ưu tiên hàng đầu. Ảnh: Phạm Hải
Nhu cầu tăng cao, nguồn cung vẫn đảm bảo
Theo các báo cáo, 5 tháng đầu năm 2024, trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao, diễn biến thủy văn không thuận lợi, để tiết kiệm tối đa nước hồ thủy điện, nguồn nhiệt điện, đặc biệt là nhiệt điện than khu vực miền Bắc đã được huy động cao.
Đặc biệt, cuối tháng 4 vừa qua, thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài diễn ra ở cả 3 miền đã làm tiêu thụ điện tăng cao kỷ lục, công suất cực đại toàn quốc đã lên tới 47.670 MW (ngày 27/4), tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2023, sản lượng điện ngày lớn nhất đạt 993 triệu kWh (ngày 26/4).
Nhờ sự chủ động trong điều hành, kết hợp giải pháp tăng cường truyền tải điện từ miền Nam, miền Trung hỗ trợ cho miền Bắc, cung ứng điện toàn hệ thống trong các tháng đầu năm 2024 đã được thực hiện tốt, đảm bảo đủ nhu cầu điện cho sản xuất và sinh hoạt của cả nước.
Sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn quốc 5 tháng ước đạt 124,2 tỷ kWh, tăng 12,1% so với cùng kỳ 2023. Điện thương phẩm 5 tháng ước đạt 110,24 tỷ kWh, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo Bộ Công Thương, hệ thống điện quốc gia về cơ bản sẽ đáp ứng đủ điện cho phát triển kinh tế-xã hội và nhu cầu của nhân dân trong hầu hết thời gian trong năm 2024.
Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam chia sẻ: Về phía cung cấp điện, chúng tôi giao cho Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia là đơn vị chịu trách nhiệm trong việc điều động hệ thống điện và thị trường điện, căn cứ vào dự báo thời tiết, nhu cầu sử dụng doanh nghiệp để lập kế hoạch vận hành hệ thống điện tối ưu. Chúng ta biết rằng hệ thống điện chỉ có thể vận hành một cách an toàn, ổn định khi cung và cầu tương đồng nhau.
Nếu bất cứ cung hoặc cầu lệch pha nhau thì hệ thống điện sẽ hoạt động không an toàn, hiệu quả, gây ra những rủi ro nhất định. Vì vậy, chúng tôi giao cho Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia có dự báo tốt để lập ra chương trình, kế hoạch thực hiện tốt việc chuẩn bị, cũng như các đơn vị sử dụng điện có thể dự báo sát với thực tế nhất.
Đánh giá vai trò của Chính phủ trong đảm bảo nguồn cung điện, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh “để sử dụng điện hiệu quả là sản lượng phải đủ, nếu thiếu điện thì không thể nào hiệu quả được”.
“Trong lĩnh vực điện, chúng ta cảm nhận được cách triển khai của Chính phủ là toàn tuyến, toàn diện, toàn cấp, toàn ngành, từ Trung ương đến các địa phương. Chính phủ ra Chỉ thị rồi giao việc cho các bộ, đặc biệt là Bộ Công thương và Bộ Tài chính. Mọi nhiệm vụ, giải pháp cũng rất rõ. Địa phương có những cách làm khuyến khích, đưa phong trào thi đua xuống đến doanh nghiệp, người dân...”, ông Trần Đình Thiên bình luận.
Ông Thiên chia sẻ: Một trong những nỗ lực rất quyết liệt là vừa rồi chúng ta thêm đường truyền tải điện từ Quảng Bình đến Hưng Yên. Đây là một trong những giải pháp để tăng hiệu quả sử dụng điện, phân phối điện. Trong chương trình tiết kiệm điện quốc gia, những hành động này thể hiện tính tích cực, tầm nhìn cao. Đó là cách làm của Chính phủ hiện nay, rất tích cực.
Tới đây, chúng ta đương đầu với nhu cầu sử dụng điện tăng cao, không phải chỉ do thời tiết. Quy hoạch điện 8 đã đề ra nhiều giải pháp để đáp ứng nhu cầu điện này, các giải pháp cũng đang được triển khai ráo riết và hành động của Chính phủ cũng mang tính đốc thúc cao như Thủ tướng đi khảo sát ở Cần Thơ, Nhà máy nhiệt điện Ô Môn... Nếu không đốc thúc như vậy thì sẽ có gây ra nguy cơ vỡ trận nguồn cung.
Theo Báo Vietnamnet

Cùng chuyên mục

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151