Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Chủ nhật, 10/11/2024 | 15:37 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Tin tức

Nhịp đập năng lượng ngày 7/10/2023

08/10/2023
Nga dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu diesel; Đức kéo dài chính sách giá trần năng lượng; Trung Quốc sắp dẫn đầu thế giới về điện hạt nhân… là những tin tức nổi bật về năng lượng ngày 7/10/2023.

Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn
Nga dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu diesel
Chính phủ Nga ngày 6/10 cho biết đã dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu diesel qua đường ống đến các cảng. Quyết định này loại bỏ phần lớn các hạn chế được áp đặt vào ngày 21/9. Các hạn chế xuất khẩu xăng vẫn còn hiệu lực.
Chính phủ Nga tuyên bố: “Chính phủ đã dỡ bỏ các hạn chế đối với hoạt động xuất khẩu dầu diesel được giao đến các cảng biển bằng đường ống, với điều kiện nhà sản xuất cung cấp ít nhất 50% dầu diesel cho thị trường nội địa”.
Kể từ khi lệnh cấm được ban hành, giá dầu diesel bán buôn trên sàn giao dịch nội địa đã giảm 21%, trong khi giá xăng giảm 10%. Điều đó vẫn chưa khiến giá bán lẻ giảm tương tự, mặc dù Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak, người phụ trách kinh doanh dầu mỏ, đã nói rằng lệnh cấm đã bắt đầu mang lại kết quả tích cực.
Đức kéo dài chính sách giá trần năng lượng
Một nguồn tin nói với Reuters ngày 6/10 rằng, Đức có kế hoạch gia hạn mức trần giá điện và khí đốt đã được đưa ra vào năm ngoái cho đến tháng 3/2024. Ủy ban Châu Âu hiện đang xem xét kế hoạch này.
Berlin đã triển khai kế hoạch viện trợ trị giá 200 tỷ euro (211,26 tỷ USD) vào năm ngoái để giúp các doanh nghiệp và hộ gia đình đối phó với hóa đơn tiền điện và giá khí đốt tăng vọt sau khi xung đột nổ ra tại Ukraine và sự sụt giảm xuất khẩu khí đốt của Nga.
Tuy nhiên, chính phủ cũng có kế hoạch bãi bỏ khoản cắt giảm thuế bán khí đốt và sưởi ấm mà họ đưa ra như một phần của các biện pháp viện trợ vào đầu năm 2024, trong bối cảnh giá cả có dấu hiệu ổn định và ngân sách liên bang đã được thắt chặt hơn, nguồn tin cho biết.
Theo dữ liệu từ Văn phòng Thống kê Liên bang, bất chấp mức giá trần và việc giảm thuế, giá năng lượng cho các hộ gia đình đã tăng 52% đối với khí đốt tự nhiên trong sáu tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm ngoái và 26,2% đối với điện.
Trung Quốc sắp dẫn đầu thế giới về điện hạt nhân
Báo cáo về Nhiên liệu hạt nhân 2023 của Hiệp hội Hạt nhân thế giới (WNA), công bố vào ngày 7/9 cho thấy, tính đến thời điểm cuối tháng 6/2023, trên thế giới có 437 lò hạt nhân năng lượng đang vận hành, với tổng công suất lắp đặt 391 GW (trong đó 93 lò đang vận hành ở Mỹ, 56 lò ở Pháp và 54 lò ở Trung Quốc). Đồng thời 63 lò phản ứng hạt nhân đang được xây dựng đang được xây dựng với tổng công suất 64GW.
Báo cáo cho biết điện hạt nhân chiếm khoảng 9,2% sản lượng điện toàn cầu vào năm 2022, chiếm 1/4 sản lượng điện được tạo ra bằng công nghệ carbon thấp. Đây là một thế mạnh của ngành công nghiệp điện hạt nhân trong bối cảnh chuyển đổi năng lượng.
Theo các kịch bản của WNA, tổng công suất lắp đặt toàn cầu từ khoảng 486, 3 GW đến 931,3 GW vào năm 2040 (theo kịch bản ứng phó, tổng công suất lắp đặt toàn cầu đạt 685,8 GW), so với tổng công suất lắp đặt toàn cầu 366,3 GW vào cuối năm 2022. Theo dự đoán, Trung Quốc chiếm gần 1/3 công suất này vào năm 2040, bất kể kịch bản nào được chọn, so với 14% công suất hiện nay.
Niger cấm xuất khẩu LPG
Theo nhiều nguồn tin ngày 5/10 và thông cáo báo chí của chính phủ, chính quyền mới của Niger đã quyết định cấm xuất khẩu LPG và tập trung toàn bộ sản lượng LPG nội địa vào việc đáp ứng nhu cầu của thị trường địa phương.
Trước đây, lượng LPG dư thừa thường được xuất khẩu sang nước láng giềng Nigeria. Do đó, đây được xem như cách Niger phản ứng trước quyết định của Abuja nhằm gây áp lực lên chính quyền mới. Trong khuôn khổ trừng phạt Niger do sự kiện đảo chính ngày 26/7, Nigeria đã cắt nguồn cung điện đi đến Niger. Trước đó, Nigeria đáp ứng đến 70% nhu cầu điện lực của Niger.
Ngoài nhu cầu sử dụng LPG trong lĩnh vực ô tô (một số phương tiện chạy bằng LPG), khí dầu mỏ hóa lỏng còn được dùng trong nhiều ứng dụng công nghiệp khác nhau, chẳng hạn như làm nhiên liệu cho động cơ máy móc.
Iraq muốn giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu của Iran
Các nhà chức trách ngày 6/10 cho biết, Iraq đã ký một biên bản ghi nhớ với Turkmenistan để nhập khẩu khí đốt, yếu tố then chốt dùng cho quy trình sản xuất điện trong nước, đồng thời nêu rõ rằng các cuộc đàm phán vẫn còn đợi để định tuyến những lô hàng nhập khẩu này qua nước láng giềng Iran.
Các nhà máy điện của Iraq phụ thuộc rất nhiều vào nguồn khí đốt do Iran cung cấp, chiếm gần 1/3 nhu cầu năng lượng của Iraq. Tuy nhiên, Tehran thường xuyên cắt nguồn cung, khiến tình trạng mất điện ngày càng trầm trọng hơn, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của 43 triệu người Iraq.
"Iraq và Turkmenistan đã ký một bản ghi nhớ vào thứ Sáu để cung cấp khí đốt của Turkmen cho nước này, trong khuôn khổ chương trình của chính phủ nhằm đa dạng hóa nguồn năng lượng, đảm bảo nguồn cung điện ổn định và bền vững", theo một thông cáo của Bộ Điện lực Iraq.
Liên quan đến việc vận chuyển các lô hàng nhập khẩu này, Bộ trưởng Điện lực Iraq Ziad Fadel cho biết "sẽ sử dụng các đường ống dẫn khí của Cộng hòa Hồi giáo Iran, được kết nối với các đường ống dẫn khí vận chuyển của Iraq, đến các nhà máy" ở Iraq.
Theo Petrotimes  

Cùng chuyên mục

Lời giải cho bài toán điện gió ngoài khơi

09/11/2024

Việt Nam, với tiềm năng năng lượng gió ngoài khơi dồi dào, đang đứng trước cơ hội lớn để trở thành một điểm sáng về năng lượng tái tạo tại Đông Nam Á. Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030 (Quy hoạch điện VIII), được phê duyệt vào tháng 5/2023, Việt Nam đặt mục tiêu đạt 6.000 MW công suất điện gió ngoài khơi vào năm 2030. Tuy nhiên, hơn một năm trôi qua, chưa có dự án nào được chính thức phê duyệt hoặc giao đầu tư. Câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào để đưa các dự án này từ bản vẽ ra thực tế?

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.893
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.956
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.271
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.860
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.197
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.302