Chủ nhật, 15/09/2024 | 01:15 GMT +7
Trong bối cảnh hiện nay, EU đối mặt với việc phải mạnh mẽ sản xuất năng lượng tái tạo để đạt được an ninh năng lượng và đáp ứng các mục tiêu khí hậu. Hydro là một lựa chọn nhằm tận dụng tối đa công suất của các nhà máy điện năng lượng tái tạo (NLTT), một cách lưu trữ năng lượng để phát lại điện năng, hoặc trong các lĩnh vực sử dụng hydro khác như hóa chất và luyện kim. Hydro sản xuất từ NLTT được gọi là hydro xanh.
Các ngành công nghiệp khó, hoặc không thể điện khí hóa toàn bộ, nhưng phải tìm cách tồn tại trong bối cảnh Net Zero như ngành luyện kim lò cao, có thể khử cacbon thông qua đầu tư kịp thời vào hydro xanh.
Gần đây, Siemens Gamesa ra mắt sách trắng “Mở khóa an ninh năng lượng châu Âu”, phác thảo những thách thức cung cấp năng lượng mà châu Âu phải đối mặt kể từ cuộc xung đột Ukraine và các hành động cần thiết để mang lại sự ổn định, an ninh năng lượng trong khi giải quyết tình trạng khẩn cấp về khí hậu, đáp ứng quá trình khử cacbon.
Trong năm 2022, tầm quan trọng, cũng như mức độ cấp thiết của các quốc gia trong việc bảo vệ và đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng của các thành viên EU đã tăng lên đáng kể. Các sự kiện địa chính trị đã nâng an ninh năng lượng lên hàng đầu trong mối quan tâm của các chính phủ châu Âu, cả về đảm bảo nguồn cung độc lập, cũng như đảm bảo giá cả có thể dự đoán được cho người tiêu dùng.
Trong những năm tới (đến năm 2050) - thời hạn cuối cùng về trung hòa khí hậu của EU, năng lượng tái tạo và hydro xanh sẽ có tầm quan trọng then chốt trong việc đảm bảo an ninh, cung cấp năng lượng bằng các nguồn năng lượng, nhiên liệu sạch, giá cả phải chăng và được sản xuất trong nước, cũng như có thể đồng thời khử cacbon trên quy mô lớn. Thông qua việc chuyển đổi các ngành công nghiệp khó điện khí hóa sang sử dụng loại nhiên liệu xanh này, các quốc gia có thể đạt được các mục tiêu cần thiết về phát thải ròng bằng "0" (Net-Zero).
Giám đốc điều hành toàn cầu của Siemens Gamesa - Jochen Eickholt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết cùng một lúc cả hai vấn đề về an ninh năng lượng và khử cacbon. “Cuộc khủng hoảng hiện nay không được phép đẩy lùi tình trạng khẩn cấp về khí hậu. Toàn bộ hệ thống nguồn NLTT bắt buộc phải phù hợp với yêu cầu giảm nhiên liệu hóa thạch. Để hydro xanh đạt được quy mô và có khả năng cạnh tranh, cũng cần một sự thay đổi lớn về quy mô và tốc độ triển khai các nguồn năng lượng tái tạo”.
Năm đòn bẩy mở ra an ninh năng lượng cho châu Âu:
1/ Tăng khối lượng năng lượng tái tạo được sản xuất ở châu Âu; việc đẩy nhanh quá trình cấp phép là rất quan trọng đối với điều này.
2/ Thiết lập cơ sở hạ tầng để vận chuyển và phân phối hydro xanh, cho dù nó được sản xuất trong nước, hay nhập khẩu và phát triển thị trường kinh doanh hydro ổn định.
3/ Đổi mới các giải pháp lưu trữ để đảm bảo cung cấp liên tục và có thể dự đoán được, đồng thời ban hành luật pháp linh hoạt cho phép kết hợp ngành để cân bằng nhu cầu điện và sản xuất hydro xanh.
4/ Giới thiệu các công cụ lập pháp và điều tiết để tạo ra thị trường hydro xanh cho EU với chi phí được đảm bảo so với chi phí nhập khẩu dựa trên nhiên liệu hóa thạch.
5/ Công nghiệp hóa quy mô sản xuất các chất điện phân cần thiết để cung cấp cho nhu cầu ở châu Âu.
Juan Gutierrez - Giám đốc điều hành toàn cầu của mảng kinh doanh Dịch vụ của Siemens Gamesa cho biết: “Siemens Gamesa kêu gọi các chính phủ châu Âu và các ngành liên quan hợp tác cùng nhau trong liên minh để đảm bảo an ninh năng lượng thông qua NLTT và hydro xanh, an ninh môi trường thông qua khử cacbon thiết yếu và đảm bảo giá năng lượng ổn định đến người tiêu dùng cuối cùng.
Các sự kiện của xung đột Ukraine đã cho thấy sự thật khó chịu về tính dễ bị tổn thương của từng yếu tố này, nhưng quyền lực của các quốc gia là giải quyết từng yếu tố này thông qua một cách tiếp cận thống nhất nhằm tăng cường lắp đặt năng lượng tái tạo và sử dụng hydro xanh”.
Năm 2022, hydro đạt 2% trong tiêu thụ năng lượng ở EU và chủ yếu dùng cho sản xuất hóa chất (chất dẻo và phân bón). 96% lượng hydro đó được sản xuất từ khí tự nhiên, làm phát thải lượng CO2 lớn. Mục tiêu của EU là chuyển số hydro đó sang hydro xanh, sao cho năm 2030 EU sẽ sản xuất được 10 triệu tấn hydro xanh.
Khi EU đặt trọng tâm vào hydro xanh, chúng ta có thể hy vọng quy mô ngành công nghiệp này sẽ đạt mức để thương mại hóa các công nghệ tiên tiến và có giá thành rẻ hơn trong sản xuất, lưu trữ, vận chuyển nhiên liệu tương lai đầy tiềm năng này./.
Theo nangluongvietnam.vn
14/09/2024
Ngày 13/9, UBND tỉnh Bình Thuận đã có buổi làm việc với Công ty HDF Energy về công nghệ, giải pháp và khả năng phát triển các dự án điện khí hydro xanh.