Ảnh minh họa: Nguyễn Trường SơnTiêu thụ điện ở miền Bắc lại tăng mạnh
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ngày 29/7 cho biết từ ngày 21-27.7, nhiệt độ ở miền Bắc tăng trở lại sau một tuần giảm nhiệt do ảnh hưởng của bão số 1, kéo theo công suất và lượng điện tiêu thụ ở miền Bắc tăng cao so với tuần trước đó.
Cụ thể, phụ tải miền Bắc đạt lượng cực đại ngày là 477,9 triệu kWh, tăng 14,3 triệu kWh so với tuần trước, công suất cực đại đạt 23.568MW, tăng 1.208MW so với tuần trước. Riêng tại Hà Nội, ngày 27/7, lượng điện tiêu thụ toàn thành phố đã lập kỷ lục cao nhất từ trước đến nay, đạt mức hơn 101 triệu kWh, vượt gần 1 triệu kWh so với lượng điện tiêu thụ cao nhất năm 2022.
Tuy nhiên, phụ tải miền Trung và miền Nam giảm cả về sản lượng và công suất so với tuần trước, dẫn đến phụ tải toàn quốc giảm. Cụ thể, lượng điện cực đại ngày toàn quốc đạt 893,7 triệu kWh, giảm khoảng 4,8 triệu kWh so với tuần trước, công suất cực đại đạt 43.220MW, giảm 710MW so với tuần trước.
73/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp gửi hồ sơ để đàm phán giá điện
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, đến ngày 28/7, đã có 73/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất 3.969,86 MW gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện (EVNEPTC) để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện, tăng thêm 1 doanh nghiệp so với thống kê đến ngày 25/7. Trong đó, có 61 dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp với tổng công suất 3.331,41 MW đã đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá.
EVN và chủ đầu tư các dự án điện chuyển tiếp đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng mua bán điện (PPA) với 58/60 dự án; trong đó Bộ Công Thương đã phê duyệt giá tạm cho 58 dự án với tổng công suất 3.181,41 MW.
Số lượng dự án chuyển tiếp đã hoàn thành thủ tục COD, chính thức được phát điện thương mại lên lưới là 17 dự án/phần dự án điện gió, điện mặt trời với tổng công suất 859,52 MW. Sản lượng điện phát lũy kế của các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp tính từ thời điểm COD đạt khoảng 180,3 triệu kWh; trong đó, sản lượng điện phát trung bình ngày khoảng 3,2 triệu kWh, chiếm khoảng 0,4% tổng sản lượng nguồn điện được huy động.
Cũng theo EVN, đến thời điểm hiện nay, có 21 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu công trình/một phần công trình; 30 dự án chuyển tiếp đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực toàn nhà máy/một phần nhà máy; 37 dự án chuyển tiếp đã có quyết định gia hạn chủ trương đầu tư. Hiện vẫn còn 12 dự án chuyển tiếp với tổng công suất 764,70 MW chưa gửi hồ sơ đàm phán.
Nga áp dụng các tiêu chuẩn mới về thiết bị dầu khí tại châu Phi
Nga và các nước châu Phi có thể triển khai các tiêu chuẩn chung cho các thiết bị dầu khí được cung cấp từ Nga cho khu vực, Bộ trưởng Năng lượng Nga Nikolay Shulginov cho biết trong một cuộc phỏng vấn với TASS trước thềm hội nghị thượng đỉnh Nga - Châu Phi.
"Mối quan hệ hợp tác công nghệ giữa Nga và châu Phi từng bị đóng băng vào thời hậu Xô Viết, hiện đang tốt đẹp trở lại. Tôi tin rằng đây là một thị trường đầy tiềm năng, tôi nhìn thấy nhiều triển vọng to lớn cả về hiện đại hóa, xây dựng các cơ sở sản xuất điện, thăm dò địa chất cũng như việc xây dựng các đường ống. Việc phát triển chung các tiêu chuẩn cho thiết bị dầu khí có thể trở thành một hướng đi riêng", ông Shulginov nói.
Bộ trưởng Nikolay Shulginov cũng cho biết Nga quan tâm đến hợp tác lâu dài trong lĩnh vực nhiên liệu và năng lượng với các nước châu Phi, vốn không liên quan đến việc giảm giá sâu các nguồn cung dầu và các sản phẩm dầu mỏ. Bộ trưởng cho biết thêm, hiện có hơn 30 dự án năng lượng và nhiên liệu đầy triển vọng với sự tham gia của Nga tại 16 quốc gia châu Phi, hiện đang ở các giai đoạn phát triển khác nhau.
OMV phát hiện mỏ khí đốt lớn nhất từ trước đến nay ở Áo
Tập đoàn dầu khí OMV của Áo ngày 28/7 vừa công bố "phát hiện mỏ khí đốt lớn nhất nước Áo trong 40 năm qua" với hy vọng hạn chế phụ thuộc năng lượng vào Nga.
Đây là kết quả thăm dò một mỏ khí ở bang Lower Austria, phía đông bang Vienna, sau 5 tháng làm việc. Mỏ khí này được khoan ở độ sâu 5.000m, dự kiến chứa 28 triệu thùng dầu tương đương, giúp "tăng sản lượng nội địa lên 50%", theo một thông cáo báo chí.
Kể từ cuộc xung đột Nga - Ukraine, OMV đã cố gắng nhân rộng các nguồn cung trong nước. Tuy nhiên, OMV với quan hệ hợp tác lâu năm với Gazprom vẫn tiếp tục nhận nguồn cung từ Nga. Trong quý III/2023, OMV vẫn mua bình quân 4,9 TWh khí đốt tự nhiên mỗi tháng. Mới đây, OMV đã ký một thỏa thuận với BP của Anh, theo đó BP sẽ cung cấp tới 1 triệu tấn LNG cho OMV trong 10 năm kể từ năm 2026.
Nga bắt đầu giảm xuất khẩu dầu theo cam kết OPEC+
Nga đã bắt đầu giảm xuất khẩu dầu theo các cam kết tự nguyện được đưa ra trong khuôn khổ liên minh Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+), Bộ trưởng Năng lượng Nikolay Shulginov chia sẻ với TASS bên lề hội nghị thượng đỉnh Nga-Châu Phi, đồng thời cho biết thêm rằng nước này có kế hoạch đáp ứng đầy đủ các cam kết vào tháng 8.
"Chúng tôi đã bắt đầu cắt giảm sản lượng dầu vào tháng 7/2023 để đạt được các thỏa thuận mà chúng tôi đã công bố. Chúng tôi sẽ cố gắng đáp ứng tất cả các cam kết tự nguyện", ông Shulginov nói.
Vào tháng 3, Nga đã bắt đầu tự nguyện cắt giảm 500.000 thùng dầu mỗi ngày so với sản lượng trung bình của tháng 2/2023. Moscow cũng quyết định cắt giảm 500.000 thùng dầu cho các thị trường mỗi ngày trong tháng 8, bằng việc giảm xuất khẩu.
Theo Petrotimes