Nỗ lực đảm bảo cung ứng điện
Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do ông Nguyễn Đức Hải, Phó chủ tịch Quốc hội- Trưởng đoàn Giám sát chủ trì đã vừa có cuộc làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 – 2021.
Ông Đặng Hoàng An, Chủ tịch HĐTV EVN cho biết, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn quốc đến nay là 79.364MW. Trong đó, nguồn điện do EVN làm chủ sở hữu là 11.974 MW, chỉ chiếm 15,1% tổng công suất đặt toàn hệ thống. Các tổng công ty phát điện trong EVN (EVNGENCO) chiếm 22,6% (17.884 MW). Phần còn lại là của TKV, PVN, các nhà đầu tư BOT và chủ đầu tư khác.
Thực hiện nhiệm vụ được Đảng, Chính phủ giao, những năm qua, EVN đã đáp ứng đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Trong giai đoạn 2016-2020, tổng sản lượng điện thương phẩm của EVN đạt 953,5 tỷ kWh, bằng 98,6% so với kế hoạch 5 năm, tăng trưởng bình quân 8,59%/năm.
Các năm 2021-2022, do tiếp tục bị ảnh hưởng dịch COVID-19, nên điện thương phẩm tăng bình quân 5,77%/năm. Trong 6 tháng đầu năm 2023, sản lượng điện thương phẩm đạt 118,72 tỷ kWh, tăng trưởng 1,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong thời gian qua, EVN và các đơn vị thành viên đã rất nỗ lực trong công tác đầu tư xây dựng các công trình lưới điện và giữ vai trò chủ đạo trong đầu tư phát triển, nâng cao năng lực hạ tầng lưới điện. Đến nay, Việt Nam đã hình thành trục lưới điện siêu cao áp 500kV Bắc – Nam, kết nối các mạch vòng 500kV tại khu vực kinh tế trọng điểm miền Bắc và miền Nam; lưới điện 220kV và 110kV phát triển đến 63/63 tỉnh/thành phố trên cả nước.
Đặc biệt, EVN và các tổng công ty điện lực đã đầu tư các dự án cấp điện cho khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo. Tính đến nay, EVN đã đảm nhận cấp điện cho 11/12 huyện đảo; số xã có điện trên cả nước đạt 100% và số hộ dân được sử dụng điện đạt 99,7%, trong đó số hộ dân nông thôn có điện đạt 99,53%.
Qua đó, góp phần tạo động lực xóa đói giảm nghèo, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và biển đảo của tổ quốc; tạo điều kiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất của người dân khu vực nông thôn miền núi và hải đảo theo tinh thần Nghị quyết của Đảng và các quyết định số 2081/QĐ-TTg ngày 08/11/2013, số 1740/QĐ-TTg ngày 13/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, các tổng công ty điện lực đã triển khai đầu tư, nâng cấp lưới điện nông thôn góp phần nâng cao tỷ lệ số xã nông thôn đạt tiêu chí số 4 (tiêu chí về điện) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới lên 87,9%.
EVN và các đơn vị cũng đã đẩy mạnh chuyển đổi số, hiện đại hóa, nâng cao độ tin cậy cho hệ thống điện. Tập đoàn đã đưa vào vận hành 63/63 trung tâm điều khiển xa tại 63 tỉnh/thành phố, chuyển đổi 100% số trạm biến áp 110kV và 80% trạm biến áp 220kV sang vận hành không người trực...
Tìm cách lo điện khi chính sách có bật cập, hạn chế
Từ kết quả thanh tra, kiểm toán, kiểm tra, qua ý kiến của cử tri và ý kiến của các thành viên Đoàn giám sát cũng cho thấy việc thực hiện chính sách, pháp luật về điện có một số bất cập, hạn chế.
Tại buổi làm việc, đoàn giám sát đã tập trung làm rõ nhiều vấn đề như: bảo đảm an ninh năng lượng; cơ sở hạ tầng của ngành Điện; việc triển khai các quy hoạch phát triển điện lực VII, VII điều chỉnh, VIII; chuyển dịch năng lượng; tình hình thực hiện các dự án nguồn và lưới điện trọng điểm; tái cơ cấu doanh nghiệp theo chủ trương của Đảng; giá điện; hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN.
Theo ông Lê Quang Huy, Phó trưởng đoàn Thường trực Đoàn Giám sát, thời gian qua, EVN đã rất cố gắng, nỗ lực trong tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng, đóng góp quan trọng vào sự phát triển ngành năng lượng quốc gia.
Đồng thời, ông Lê Quang Huy cũng nêu một số vấn đề EVN cần khắc phục, nhằm tạo tiền đề và nắm bắt cơ hội phát triển theo đúng chủ trương của Đảng đề ra trong Nghị quyết số 55-NQ/TW, phù hợp với xu hướng chuyển dịch năng lượng theo hướng bền vững.
Xã hội hóa đường dây truyền tải điện được Quốc hội ủng hộ nhưng các nhà đầu tư tư nhân vẫn chưa mặn mà Kết luận buổi làm việc, ông Nguyễn Đức Hải, Phó chủ tịch Quốc hội, Trưởng đoàn Giám sát cho biết, Đoàn Giám sát ghi nhận EVN và các đơn vị liên quan đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong sản xuất, truyền tải, phân phối điện; chỉ huy điều hành hệ thống điện; xuất nhập khẩu điện năng; đầu tư và quản lý vốn đầu tư các dự án điện; quản lý, vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng, tự động hóa các thiết bị trong hệ thống điện…
“Những nỗ lực của EVN và các đơn vị liên quan đã đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đời sống của người dân”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh.
Đồng thời Phó chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, EVN và các đơn vị liên quan cần làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và có giải pháp khắc phục, không để tái diễn những bất cập đã được chỉ ra. Tập trung các giải pháp bảo đảm cung ứng đủ điện trong năm 2024 - 2025 và các năm tiếp theo; đẩy nhanh quá trình thực hiện cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Tập đoàn theo đúng chủ trương nêu tại Nghị quyết số 55 - NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án nguồn và lưới điện bị chậm tiến độ, bị sự cố ngừng hoạt động; tăng cường phối hợp các tập đoàn, địa phương và cơ quan có liên quan trong triển khai các dự án năng lượng.
Theo Báo Đầu tư