Thực hiện Chỉ thị 20/CT-TTg ngày 8/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo, trên cả nước, các công ty, tập đoàn lớn đã, đang tích cực hưởng ứng phong trào tiết kiệm điện trong sản xuất công nghiệp.
Doanh nghiệp công nghiệp sử dụng năng lượng hiệu quả
Là một trong những doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, ngay từ những ngày đầu thành lập, Công ty Cổ phần Thép Việt - Đức (Bình Xuyên) luôn coi việc sử dụng năng lượng, điện tiết kiệm và hiệu quả là một trong những giải pháp quan trọng nhằm tối ưu hóa chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Cùng với việc duy trì mô hình 5S trong sản xuất, công ty đẩy mạnh áp dụng các sáng kiến cải tiến kỹ thuật như chuyển đổi sử dụng khí hóa than sang sử dụng công nghệ khí hóa tự nhiên CNG và khí gas hóa lỏng LPG để sản xuất thép, cải tiến hầm sấy của dây chuyền sản xuất ống mạ... tạo ra các sản phẩm đạt chất lượng tiêu chuẩn quốc tế; đồng thời, cải thiện môi trường làm việc cho người lao động.
Theo lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc, việc thực hiện các hoạt động tiết kiệm năng lượng trong các hoạt động sản xuất được các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nói chung và 80 doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm (năm 2022) nói riêng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc chú trọng.
Tại các doanh nghiệp này đều duy trì việc thực hiện kiểm toán năng lượng theo quy định làm cơ sở cho việc xây dựng các dự án, các hành động tiết kiệm năng lượng. Các chính sách khuyến khích các sáng kiến tiết kiệm năng lượng đã trở thành phong trào và khi đưa vào áp dụng đem lại hiệu quả thiết thực.
Mặc dù nhu cầu sử dụng năng lượng trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có xu hướng ngày càng tăng cao, nhưng Vĩnh Phúc lại không có nguồn cung cấp nhiên liệu đáng kể nào cho các hoạt động sản xuất công nghiệp.
Cùng với đó, đặc điểm chung của các ngành công nghiệp trên địa bàn Vĩnh Phúc chủ yếu là gia công, lắp ráp; sản xuất luôn phụ thuộc vào sự cung cấp và sử dụng năng lượng đặc biệt là điện năng; trong khi việc sử dụng năng lượng trong các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp còn nhiều vấn đề chưa hợp lý, thiếu khoa học với hiệu quả sử dụng năng lượng không cao...
Tập đoàn Prime Vĩnh Phúc (Bình Xuyên) luôn duy trì, áp dụng các sáng kiến tiết kiệm năng lượng trong quá trình sản xuất các loại gạch tráng men Ngoại trừ một số doanh nghiệp lớn như Công ty TNHH Maruichi Sun Steel Hà Nội, Công ty Cổ phần Thép Việt - Đức... hoạt động sản xuất tôn, ống thép các loại, hay Tập đoàn Prime Vĩnh Phúc sản xuất gạch và các thiết bị vệ sinh... thì phần lớn các doanh nghiệp còn lại có quy mô sản xuất nhỏ, công nghệ sử dụng còn thô sơ, tiêu thụ năng lượng lớn và có hoạt động phát thải gây ô nhiễm môi trường.
Nguồn nhân lực phục vụ cho công tác quản lý về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả còn thiếu và yếu, cùng với cơ chế, chính sách chưa đồng bộ nên việc quản lý về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của các doanh nghiệp công nghiệp còn nhiều hạn chế...
Với chính sách chung của cả nước hướng tới mục tiêu giảm tiêu hao năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính về 0 vào năm 2050, trong định hướng phát triển công nghiệp, tỉnh xác định cần sớm có những giải pháp mang tính khoa học trong các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Quyết định số 1458 phê duyệt "Đề án sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2030" nhằm góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp tỉnh, thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực sản xuất có ít phụ thuộc vào năng lượng, tối ưu hóa quá trình sản xuất theo hướng tiết kiệm năng lượng, giúp các doanh nghiệp chú trọng hơn vào các hoạt động sản xuất ít phụ thuộc vào năng lượng.
Đề án đã đề ra một số mục tiêu cụ thể như đảm bảo 100% cơ sở tiêu thụ năng lượng trọng điểm thực hiện kiểm toán năng lượng và áp dụng hệ thống quản lý năng lượng theo quy định; đạt mức tiết kiệm năng lượng bình quân từ 8-10% so với sản lượng điện thương phẩm. 90% doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trong khu công nghiệp và 70% doanh nghiệp trong cụm công nghiệp được tiếp cận, áp dụng các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào năm 2030.
Hướng tới giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động năng lượng so với kịch bản phát triển bình thường tại các cơ sở sản xuất công nghiệp ở mức 15% vào năm 2030, góp phần thực hiện mức phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết của Thủ tướng Chỉnh phủ tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26).
Vinachem phấn đấu tiết kiệm tối thiểu 2% tổng điện năng tiêu thụ
Chung tay cùng cả nước tiết kiệm điện, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cho biết, trong giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo, toàn tập đoàn phấn đấu hàng năm tiết kiệm tối thiểu 2% tổng điện năng tiêu thụ trong năm đối với các nhà máy sản xuất.
Theo đó, thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 8/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã ban hành Quyết định số 188/QĐ-HCVN về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 20 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo.
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam phấn đấu tiết kiệm tối thiểu 2% tổng điện năng tiêu thụ Quyết định hướng đến mục tiêu tổng quát là bảo đảm sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, ổn định sản xuất, góp phần duy trì an ninh năng lượng, đạt mục tiêu phát triển bền vững, tăng trưởng kinh tế của tập đoàn và đất nước trong giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo.
Cụ thể, trong giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo, Vinachem phấn đấu hằng năm tiết kiệm tối thiểu 2% tổng điện năng tiêu thụ trong năm đối với các nhà máy sản xuất và tối thiểu 5% tổng điện năng tiêu thụ trong năm đối với các trụ sở văn phòng. Giảm 50% công suất chiếu sáng quảng cáo, trang trí ngoài trời các tòa nhà và văn phòng.
Đến năm 2025, phấn đấu 100% chiếu sáng đường giao thông nội bộ, hành lang trong khuôn viên trụ sở văn phòng và nhà máy sử dụng đèn chiếu sáng LED. Phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà văn phòng trong toàn tập đoàn sử dụng điện mặt trời áp mái tự sản, tự tiêu.
Để hoàn thành các mục tiêu này, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam hướng đến các giải pháp cụ thể như: thực hiện hiệu quả quy định về tiết kiệm điện, các quy định về sử dụng, bảo dưỡng và sửa chữa các trang thiết bị tiêu thụ điện tại trụ sở Công ty mẹ - Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, đảm bảo hàng năm tiết kiệm tối thiểu 5% tổng điện năng tiêu thụ trong năm.
Theo đó, giải pháp thực hiện là phổ biến, tuyên truyền và quán triệt nghiêm việc thực hiện tiết kiệm điện tới toàn thể người lao động, đưa ý thức và trách nhiệm tiết kiệm điện vào chỉ tiêu đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, chấp hành kỷ luật nội bộ và thi đua khen thưởng hàng năm.
Bên cạnh đó, đôn đốc, rà soát và thường xuyên kiểm tra việc thực hiện nội quy và các quy định hiện hành về tiết kiệm điện; nghiên cứu, lắp đặt và sử dụng hệ thống điện mặt trời áp mái, hệ thống đun nước nóng từ năng lượng mặt trời để giảm tiêu thụ điện từ hệ thống điện quốc gia; triển khai các giải pháp công nghệ tiết kiệm điện trong chiếu sáng khuôn viên, hành lang và đẩy nhanh quá trình thực hiện tự động hóa chiếu sáng theo khung thời gian và điều kiện thời tiết.
Các cơ sở sử dụng năng lượng có điện năng tiêu thụ từ 01 triệu kWh/năm trở lên phải tiết kiệm ít nhất 2% điện năng tiêu thụ trên một đơn vị sản phẩm mỗi năm hoặc phải tiết kiệm ít nhất 2% tổng điện năng tiêu thụ trong năm, rà soát, đảm bảo việc chấp hành, tuân thủ các quy định của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các văn bản quy phạm pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tiết kiệm điện có liên quan.
Tập đoàn khuyến khích xây dựng, triển khai áp dụng hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001:2018 tại các cơ sở sản xuất kinh doanh; thực hiện kiểm toán năng lượng định kỳ, xây dựng và thực hiện các mục tiêu, giải pháp về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hàng năm; tăng cường thúc đẩy các kỹ thuật tiết kiệm năng lượng tiên tiến, thúc đẩy cải tiến công nghệ trong các ngành tiêu thụ nhiều năng lượng, tối ưu hóa nguyên liệu sản xuất, loại bỏ năng lực sản xuất lạc hậu, tiếp tục nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng thông qua đầu tư các dự án tiết kiệm năng lượng.
Theo Báo Công Thương