Trong tuần qua, 3 dự án điện gió xa bờ ở Anh và Mỹ với tổng công suất 3,5 GW bị hủy bỏ do chi phí đội lên cao so với dự kiến ban đầu trong bối cảnh lãi suất và lạm phát tăng. Ảnh: myrecordjournal.com Trong tuần qua, Công ty Avangrid, đơn vị thành viên của Iberdrola (Tây Ban Nha), nhà phát triển điện gió lớn nhất thế giới, đồng ý nộp phạt 48 triệu đô la để hủy hợp đồng bán điện từ dự án điện gió Commonwealth Wind đã được lên kế hoạch thi công ở ngoài khơi bờ biển bang Massachusetts (Mỹ). Trong khi đó, gói thầu cung cấp năng lượng gió ngoài khơi cho bang Rhode Island (Mỹ) của tập đoàn phát triển điện gió Orsted (Đan Mạch) không được phê duyệt do cơ quan năng lượng của bang này cho rằng lãi suất tăng cao, khiến chi phí gói thầu trở nên quá đắt đỏ.
Cũng trong tuần, Vattenfall, công ty điện lực nhà nước Thụy Điển, tuyên bố rút khỏi kế hoạch phát triển dự án điện gió Norfolk Boreas ở ngoài khơi bờ biển nước Anh vì chi phí cao do lạm phát.
Công ty cho biết các điều kiện thị trường đang gặp nhiều thách thức, với chi phí của ngành công nghiệp điện ngoài khơi đã tăng 40%. Trong khi đó, chi phí vay tiền để xây dựng dự án cũng đã trở nên đắt đỏ hơn do lãi suất tăng.
Năm ngoái, Vattenfall trúng một trong những gói thầu xây dựng dự án Norfolk Boreas với giá bán điện cố định cực thấp 37,35 bảng (48 đô la Mỹ)/MWh trong 15 năm.
Chi phí tăng cao đang làm đổ bể các dự án điện gió ngoài khơi ngay cả khi nhu cầu về năng lượng tái tạo tăng cao. Nhiệt độ cực cao do biến đổi khí hậu đang gây căng thẳng cho lưới điện trên toàn thế giới. Vấn đề này nhấn mạnh nhu cầu sản xuất nhiều năng lượng hơn, và tăng thêm tính cấp thiết trong nỗ lực chuyển đổi nhanh hơn khỏi nhiên liệu hóa thạch. Ở châu Âu, quyết tâm giảm sự phụ thuộc vào dầu khí của Nga đã tạo động lực cho các dự án năng lượng sạch.
“Năng lượng đến từ các dự án này là rất cần thiết. Nhưng với các điều kiện thị trường như hiện nay, chẳng có ý nghĩa gì nếu tiếp tục triển khai chúng”, Helene Bistrom, người đứng đầu bộ phận kinh doanh điện gió của Vattenfall, nói.
Ba dự án điện gió bị hủy bỏ nói trên có công suất tổng cộng dự kiến 3,5 GW, cao hơn 11% tổng công suất điện gió xa bờ hiện đang được triển khai ở các vùng biển của Mỹ và châu Âu. Nhưng những con số đó có thể sớm tăng lên. Theo Công ty tài chính năng lượng mới Bloomberg (BNEF), ít nhất 9,7 GW của các dự án điện gió xa bờ ở Mỹ đang gặp rủi ro vì các nhà phát triển muốn đàm phán lại hoặc rút khỏi hợp đồng bán điện đã ký với mức giá mà họ cho là hiện quá thấp để có thể xứng đáng đầu tư.
Các dự án bị hủy bỏ là dấu hiệu căng thẳng mới nhất đối với các trang trại điện gió ngoài khơi sử dụng các tuốc-bin khổng lồ, lớn hơn các tòa nhà chọc trời để thu năng lượng từ không khí biển, nơi có các luồng gió mạnh nhất và ổn định nhất. Chi phí vật liệu tăng cao, đặc biệt là thép, buộc các nhà sản xuất tuốc-bin điện gió phải tăng giá. Chi phí của các dịch vụ quan trọng khác, như tàu chuyên dụng để lắp đặt tuốc-bin, cũng tăng mạnh. Và lãi suất tăng khắp nơi trên thế giới khiến chi phí vay nợ để đầu tư cho các dự án trở nên đắt đỏ hơn.
Điều đó không có nghĩa là hoạt động đầu tư đã dừng lại hoàn toàn. Một số dự án điện gió ở Mỹ và Anh vẫn đang được tiến hành dù chi phí tăng lên. Đầu tháng này, hai tập đoàn dầu khí BP (Anh) và TotalEnergies (Pháp) trúng thầu 12,6 tỉ euro (14 tỉ đô la Mỹ) để phát triển các trang trại điện gió ngoài khơi có tổng công suất 7 GW ở Biển Bắc của Đức. Nhưng những dự án bị hủy bỏ và trì hoãn cho thấy rằng, nếu các chính phủ cam kết phát triển năng lượng gió ngoài khơi, họ sẽ phải trả nhiều tiền hơn để có thể nhanh chóng triển khai các dự án.
Mads Nipper, CEO của Orsted, cho biết chi phí vay vốn và giá tuốc-bin, dây cáp cùng các thiết bị khác đã tăng mạnh. “Điều này có nghĩa là giá năng lượng tái tạo phải tạm thời tăng lên sau nhiều năm sụt giảm mạnh”, ông nói.
Dù một số dự án vẫn có thể triển khai trong tương lai, nhưng chúng cần có đảm bảo giá điện cao hơn để đầu tư có lãi. Bất kỳ sự chậm trễ nào đều có nghĩa thế giới phải phụ thuộc nhiều hơn vào các máy sản xuất điện bằng nhiên liệu hóa thạch, vốn góp phần biến đổi khí hậu, khiến các mục tiêu cắt giảm khí thải ngày càng xa tầm với.
Gió ngoài khơi rất quan trọng đối với các mục tiêu khử carbon. Kích thước khổng lồ của tuốc-bin biển khiến chúng trở thành một trong những cách hiệu quả nhất để sản xuất điện tái tạo. Tại Mỹ, mỗi MW công suất lắp đặt của các trang trại điện gió xa bờ có thể sản xuất gấp ba lần sản lượng điện mà mỗi MW công suất lắp đặt ở trang trại điện mặt trời tạo ra, theo dữ liệu của BNEF. Ở nước Anh, các trang trại điện gió xa bờ sản xuất sản lượng điện cao gấp năm lần so với một trang trại năng lượng mặt trời có quy mô tương tự.
Tính hiệu quả của điện gió xa bờ đã thúc đẩy các chính phủ trên toàn cầu đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng để mở rộng quy mô triển khai. Tổng thống Mỹ Joe Biden đặt mục tiêu đến cuối thập niên này, nước Mỹ có 30 GW công suất điện gió xa bờ được lắp đặt, tăng từ mức gần như chưa có gì hiện nay. Ở châu Âu, các nước gồm Anh, Đức và Hà Lan đã tuyên bố vào đầu năm nay rằng họ sẽ đạt tổng công suất 120 GW điện gió vào năm 2030, gấp hơn bốn lần công suất hiện tại.
Nhưng với việc các chính phủ vẫn xem các mục tiêu năng lượng xanh của họ sẽ giúp giảm chi phí cho người tiêu dùng, thì không rõ làm thế nào họ có thể đạt được mức mở rộng công suất đó.
“Thông báo của Vattenfall về việc ngừng phát triển dự án điện gió xa bờ Norfolk Boreas ở Anh báo hiệu sự khởi đầu của những gì có thể trở thành một cuộc khủng hoảng thực sự. Các nhà hoạch định chính sách phải lưu ý và hành động nhanh chóng để đảm bảo các nhà phát triển và dư án điện gió xa bờ tiếp theo không đi theo con đường tương tự”, Megan Smith, Phó giám đốc phụ trách năng lượng gió ngoài khơi của Carbon Trust, nói.
Theo Tạp chí Kinh tế Sài Gòn