Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn 15 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đã phát điện lên lưới
Theo số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đến ngày 21/7 đã có 15 dự án, phần nhà máy năng lượng tái tạo chuyển tiếp, tổng công suất gần 735 MW hoàn thành thủ tục vận hành thương mại (COD), phát điện lên lưới. Sản lượng phát trung bình mỗi ngày của số dự án này khoảng 3,2 triệu kWh, chiếm khoảng 0,4% tổng nguồn điện được huy động.
Các dự án này gồm: Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ 1, Phù Mỹ 3; Nhà máy điện mặt trời Thiên Tân 1.2, Thiên Tân 1.3; Nhà máy điện mặt trời tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận; Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 1; Nhà máy điện gió Hướng Hiệp 1; Nhà máy điện gió Nhơn Hội - giai đoạn 2; Nhà máy điện gió Hướng Linh 7; Nhà máy điện gió Hiệp Thạnh; Nhà máy điện gió VPL Bến Tre; Nhà máy điện gió Hanbaram; Nhà máy điện gió Bình Đại; Nhà máy điện gió Hòa Đông 2; Nhà máy điện gió Viên An.
Cũng theo EVN, đã có 72/85 dự án chuyển tiếp với tổng công suất gần 3.932 MW gửi hồ sơ đàm phán giá, hợp đồng mua bán điện. Trong số này, 83% đề nghị áp giá tạm tính bằng 50% giá trần khung giá của Bộ Công Thương. Hiện Bộ này đã phê duyệt giá tạm cho 58 dự án, tổng công suất hơn 3.181 MW. Hiện vẫn còn 13 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp chưa gửi hồ sơ để đàm phán giá, hợp đồng mua bán điện.
Nga và Ả Rập Xê-út phản đối đề xuất năng lượng xanh của G20
Theo 3 nguồn tin xác nhận với Reuters hôm 21/7, những quốc gia khai thác nhiên liệu hóa thạch lớn, bao gồm Ả Rập Xê-út và Nga, đã phản đối đề xuất mới cho năm 2030 - yêu cầu những nước G20 nâng gấp 3 lần công suất năng lượng tái tạo hiện có.
Trung Quốc, nước thải khí CO2 lớn nhất thế giới, cũng như những nước xuất khẩu than đá như Nam Phi và Indonesia, cũng phản đối kế hoạch này. Theo hai nguồn tin tham dự cuộc họp G20, Ấn Độ - Chủ tịch hiện tại của G20, đã đứng trung lập trong vấn đề này.
Một cuộc thảo luận về việc sản xuất hydro nhằm hỗ trợ quá trình chuyển dịch khỏi nhiên liệu hóa thạch cũng đã nổ ra tranh cãi. Theo các nguồn tin, một số quốc gia thành viên đã kiến nghị đặt ra mục tiêu "hydro carbon thấp" thay vì "hydro xanh".
Nigeria có dự án sản xuất LNG trên biển đầu tiên
Tập đoàn Dầu khí Nhà nước Nigeria (NNPC) và tập đoàn hậu cần hàng hải UTM Offshore (Nigeria) ngày 21/7 đã cùng ký kết thỏa thuận thống nhất điều khoản cho dự án xây dựng cơ sở hóa lỏng khí tự nhiên nổi đầu tiên cho Nigeria. Theo thỏa thuận, NNPC sẽ chịu trách nhiệm đảm bảo nguồn cung khí đốt cần thiết cho hoạt động của đối tác.
UTM hiện đang tiến hành triển khai dự án, dựa vào sự hỗ trợ của nhiều công ty nước ngoài có kiến thức vững chắc trong lĩnh vực LNG. Dự kiến cơ sở này sẽ có công suất 1,5 triệu tấn LNG/năm. Dự án này sẽ đóng góp vào việc giảm tần suất đốt bỏ khí đốt và đáp ứng cam kết giảm lượng khí thải carbon, đồng thời tạo ra hơn 7.000 việc làm.
Trước đó, vào tháng 4/2022, NNPC đã thông báo dự án lắp đặt một nhà máy hóa lỏng khí tự nhiên nổi thông qua mối quan hệ hợp tác với Công ty Golar (Bermuda), chuyên về cơ sở hạ tầng LNG trên biển.
Nga có thể áp dụng hạn ngạch xuất khẩu nhiên liệu
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak ngày 21/7 cho biết Nga không loại trừ việc áp dụng hạn ngạch xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ để ổn định giá xăng dầu, khi giá bán buôn xăng dầu đạt mức cao chưa từng thấy.
“Về nguyên tắc, điều này đang được xem xét. Nhưng cũng có những đề xuất khác. Chúng ta cần cân nhắc giữa lợi và hại”, ông Novak trả lời câu hỏi về hạn ngạch có thể có đối với xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ, hãng thông tấn RIA đưa tin. Ông nói thêm rằng một số nhà máy lọc dầu đã hoãn bảo trì theo kế hoạch sang một ngày sau đó để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.
Việc gia tăng sản lượng tại các nhà máy lọc dầu có thể tạo điều kiện thuận lợi cho cam kết cắt giảm xuất khẩu dầu thô 500.000 thùng/ngày của Nga trong tháng 8 nhằm hỗ trợ thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Nhà phân tích Phil Flynn của Price Futures Group cho biết "nguồn cung toàn cầu đang bắt đầu thắt chặt và tình trạng thắt chặt này có thể gia tăng đáng kể trong những tuần tới” sẽ đẩy giá dầu tiếp tục tăng. Joseph McMonigle, Tổng thư ký của Diễn đàn Năng lượng quốc tế cũng cho biết giá dầu sẽ tăng trong nửa cuối năm do nguồn cung gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu.
Ấn Độ đặt tham vọng xuất khẩu điện sang Đông Nam Á
Ấn Độ đang cân nhắc cách thức tiếp cận các nước Đông Nam Á thông qua Myanmar và Thái Lan, vì New Delhi muốn sử dụng ngành năng lượng tái tạo của mình làm đòn bẩy tăng cường quan hệ ngoại giao với các nước trong khu vực.
Theo một quan chức trong ngành, mạng lưới điện có quy mô như trên sẽ mất ít nhất 4 năm để hoàn thành thi công. Trước đó, Ấn Độ cũng đã bắt đầu trao đổi quyền lực với những nước Trung Đông như Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Tại kỳ họp cấp bộ trưởng của G20 ở bang Goa của Ấn Độ, giới quan chức năng lượng Ấn Độ đã tổ chức thảo luận riêng lẻ hoặc theo nhóm với một số quốc gia về việc thúc đẩy kết nối lưới điện khu vực.
Ấn Độ có kế hoạch nâng công suất thủy điện và điện tái tạo từ mức 177 GW hiện nay lên mức 500 GW vào năm 2030, với phần lớn công suất đến từ các trang trại điện mặt trời. Nước này đã xuất khẩu một phần điện năng sang Bangladesh, Nepal và Bhutan. Quốc gia này cũng xuất khẩu một sản lượng rất nhỏ sang Myanmar, với tham vọng đẩy mạnh công suất trong tương lai.
Theo Tạp chí Petrotimes.