Ngày 15-5, Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm “Tiết kiệm điện - Từ chính sách đến cuộc sống”. Các chuyên gia đã hệ thống hóa công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành chức năng trong sử dụng tiết kiệm, hiệu quả điện năng; bàn giải pháp lan tỏa các chương trình tiết kiệm điện năng vào thực tiễn đời sống xã hội.
Khách mời tham dự tọa đàm. Ảnh: Chinhphu.vn Tiêu thụ năng lượng gấp 2-3 lần các quốc gia khác
Nhận định nước ta là quốc gia có tỷ lệ sử dụng năng lượng chưa hiệu quả bằng một số nước khác, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) dẫn chứng, để có 1.000 USD, chúng ta đang tiêu thụ năng lượng gấp 2-3 lần các quốc gia khác. Đây là thách thức rất lớn, phải làm tốt hơn công tác sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, đặc biệt là tiết kiệm điện trong thời gian tới.
Cũng theo ông Võ Quang Lâm, trong tháng 4, điện thương phẩm toàn quốc đạt 26,8 tỷ kWh và sản lượng này tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2023. Nhìn lại cả 4 tháng đầu năm, điện thương phẩm đạt 96,2 tỷ kWh điện, tăng 12,4% so với 2023 và đây cũng là tỷ lệ tăng trưởng cao nhất trong những năm gần đây; điện cho công nghiệp tăng 10,91%, điện cho thương mại - dịch vụ tăng 18,95% , điện cho sinh hoạt tăng 18,54%, cao gấp 1,5 lần so với tốc độ tăng trưởng của cả nước trong thời gian vừa qua.
Riêng tại Hà Nội, điện cho thương mại - dịch vụ tăng trưởng 33,26%, điện cho sinh hoạt tăng 29,27%, tức là tăng hơn 30% với 2 thành phần thương mại và dịch vụ. Còn tại miền Bắc, tiếp tục duy trì tăng trưởng điện thương phẩm cho sản xuất công nghiệp (tăng trưởng 13,02% - mức rất cao trong 4 tháng qua).
“Chúng tôi dự báo trong năm 2024, vào những tháng sắp tới, hệ thống điện có thể có những kỷ lục mới về công suất, sản lượng. Đây là những thách thức rất lớn mà EVN và các đơn vị thành viên cũng như các đơn vị khác trong hệ thống điện phải nỗ lực để bảo đảm điện cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước” - ông Lâm nói.
Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề sử dụng năng lượng tiết kiệm, hợp lý, hiệu quả, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo hết sức quyết liệt, đồng bộ qua hàng loạt các văn bản chỉ đạo, trong đó có Chỉ thị 20/CT-TTg về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo.
Tiến sĩ Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế đánh giá, chỉ thị này không chỉ phát động phong trào thi đua mà còn như một chương trình hành động quốc gia. Chỉ thị đã đặt rõ các mục tiêu như trong các năm tới đây, cả nước phải phấn đấu hằng năm tiết kiệm tối thiểu 2% tổng điện năng tiêu thụ; giảm tổn thất điện năng trên toàn hệ thống điện dưới 6% vào năm 2025… Đây là cách tiếp cận mục tiêu rất rõ ràng, cần phải có cam kết, hành động.
Cùng đó, Chính phủ giao Bộ Công Thương và Bộ Tài chính, các địa phương có những cách làm khuyến khích, đưa phong trào thi đua đến doanh nghiệp, người dân...
Ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh. Ảnh: Chinhphu.vn
Xây dựng cơ chế để tiết kiệm điện
Ngoài các giải pháp mang tính vĩ mô, tại tọa đàm, không ít ý kiến cho rằng, tiết kiệm điện liên quan đến nhận thức. Bởi thói quen được xây dựng qua quá trình lâu dài chứ không phải thông qua những phong trào mang tính chất ngắn hạn.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh nêu những động thái của quốc tế liên quan đến biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, các cam kết liên quan đến Net Zero. Ít nhiều điều đó cũng phản ánh đây là câu chuyện của toàn thế giới chứ không phải của riêng Việt Nam.
Theo ông Sơn, thế giới phải chung tay thay đổi thói quen tiêu dùng, thay đổi việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Trước mắt, cần tiết kiệm, sử dụng năng lượng, tài nguyên hiệu quả hơn trước, sau đó dùng các tài nguyên sẵn có như điện mặt trời, các dạng năng lượng tự dùng trước khi sử dụng từ nguồn, từ lưới. Mỗi hành động, dù là nhỏ nhất, đều đóng góp vào sự thay đổi lớn lao.
Đây cũng là lý do tại sao Chính phủ, Bộ Công Thương liên tục đưa ra những yêu cầu, chỉ thị, hướng dẫn trong việc tạo ra thói quen, nhận thức mới của người tiêu dùng từ các hộ gia đình tới các doanh nghiệp. Việc đào tạo, giáo dục tiết kiệm điện, tài nguyên thiên nhiên cần được thực hiện ngay trong hệ thống giáo dục, trên các phương tiện giao thông, nơi công cộng…
Chính phủ và Bộ Công Thương cũng đang trong tiến trình cải cách giá theo các cơ chế khác nhau để làm sao bám dần thị trường, tránh những việc như vừa qua, EVN báo lỗ khi phải mua nhiên liệu đầu vào rất cao nhưng bán ra với giá đã được cố định và giữ nguyên trong nhiều năm.
Thực tế cũng cho thấy, muốn tiết kiệm điện phải có các mạng lưới tiết kiệm năng lượng mạnh ở các địa phương. Ông Hà Đăng Sơn đánh giá, trước đây Việt Nam làm khá tốt, nhưng sau đó do nhiều nguyên nhân, các đầu mối về tiết kiệm năng lượng bị giải thể, sáp nhập. Do đó, chức năng không chỉ là tiết kiệm năng lượng mà còn nhiều nhiệm vụ khác, các hoạt động liên quan đến tiết kiệm năng lượng hiệu quả không được quan tâm đúng mức.
Vừa qua, Bộ Công Thương đã thúc đẩy sự ra đời mạng lưới tiết kiệm điện Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn chưa đủ mạnh. “Hy vọng trong thời gian tới, Chính phủ, Bộ Công Thương cùng các đơn vị liên quan cũng sẽ thúc đẩy để làm sao mạng lưới tiết kiệm năng lượng quay lại được như cách đây gần 10 năm” - ông Hà Đăng Sơn nói.
Theo Hà Nội mới