Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ năm, 10/10/2024 | 17:47 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Phát triển năng lượng

Bản tin Năng lượng xanh: Gió và mặt trời sẽ cung cấp hơn 1/3 năng lượng toàn cầu vào năm 2030

15/07/2023
Hôm thứ Năm (13/7), một báo cáo của Viện Rocky Mountain (RMI) cho biết các dự án năng lượng mặt trời và gió đang trên đà chiếm hơn 1/3 sản lượng điện của thế giới vào năm 2030, báo hiệu rằng ngành năng lượng này có thể đạt được sự chuyển biến cần thiết để đáp ứng các mục tiêu khí hậu toàn cầu.
Tiến sĩ Sultan al-Jaber, Chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu sắp tới của Liên hợp quốc, COP28, đã kêu gọi tăng gấp ba lần sản lượng năng lượng tái tạo vào năm 2030 để hạn chế phát thải khí nhà kính và giúp đạt được các mục tiêu đặt ra theo thỏa thuận khí hậu Paris 2015.
Báo cáo của RMI cho thấy tăng trưởng ngành theo cấp số nhân có nghĩa là các dự án năng lượng mặt trời và gió được dự đoán sẽ tạo ra ít nhất 33% điện năng toàn cầu, tăng từ mức khoảng 12% hiện nay, dẫn đến sự sụt giảm trong sản xuất nhiên liệu hóa thạch và làm cho năng lượng có giá rẻ hơn.
RMI, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Mỹ tập trung vào năng lượng sạch, đã thực hiện nghiên cứu với sự hợp tác của Quỹ Trái đất Bezos, quỹ trị giá 10 tỷ USD do chủ sở hữu Amazon.com Jeff Bezos thành lập để giúp tài trợ cho các giải pháp chống biến đổi khí hậu.
Báo cáo cho biết chi phí năng lượng mặt trời, vốn đã là hình thức sản xuất điện rẻ nhất, sẽ giảm xuống mức thấp nhất là 20 USD trên mỗi megawatt giờ (MWh) từ khoảng 40 USD hiện nay, khi nhiều dự án được triển khai và quy mô kinh tế được cải thiện.
Giám đốc cấp cao của RMI Kingsmill Bond cho biết: “Lợi ích của việc triển khai năng lượng tái tạo nhanh chóng là an ninh năng lượng và tính độc lập cao hơn, cộng với việc giảm giá năng lượng trong dài hạn vì đây là công nghệ sản xuất, bạn càng lắp đặt nhiều thì giá thành càng rẻ”.
Big Oil thắng thầu điện gió ngoài khơi của Đức
Các công ty năng lượng lớn BP và TotalEnergies đã thắng thầu tại phiên đấu giá điện gió ngoài khơi có công suất 7 gigawatt (GW) ở Đức trị giá kỷ lục 12,6 tỷ euro (14,1 tỷ USD), cho phép họ thâm nhập thị trường trung tâm châu Âu mà không cần thiết lập các quan hệ hợp tác. Một cuộc đấu giá tiếp theo sẽ diễn ra trong tháng Tám.
Các tập đoàn dầu khí trước đây đã thắng thầu tại các cuộc đấu thầu của Anh năm 2021, các dự án được trao cho BP và EnBW, Macquarie và TotalEnergies. Các dự án thắng thầu đi vào hoạt động vào năm 2030 cũng loại trừ các công ty phát triển điện gió ngoài khơi hàng đầu, như RWE và Orsted.
Phiên đấu giá công suất 7 GW được bắt đầu từ tháng 1/2023 và các nhà thầu có thời hạn đến ngày 1/6/2023 để gửi đề nghị. Giá trúng thầu cho bốn hợp đồng dao động từ 1,56 triệu đến 2,07 triệu euro mỗi megawatt, lập kỷ lục của Đức. Trong các cuộc đấu giá trước đây ở Đức, các công ty thường đưa ra giá thầu thấp hơn hoặc âm với mong muốn được nhà nước trợ cấp. Lần này, một số công ty cam kết xây dựng các dự án mà không cần trợ cấp, kích hoạt cơ chế mà Cơ quan quản lý Bundesnetzagentur của Đức gọi là "quy trình đấu thầu động". Các cuộc đấu giá diễn ra tại các cuộc họp trực tuyến kéo dài hàng giờ.
Cuộc đấu giá này là một phần trong tổng số 8,8 GW được đấu giá trong năm nay, nhiều hơn gấp đôi so với 8,2 GW của Đức được lắp đặt vào cuối năm 2022. Đức cũng sẽ đấu thầu 1,8 GW điện gió ngoài khơi trên các địa điểm đã được phát triển trước vào tháng 8/2023 theo các tiêu chí khác nhau.
Đức có mục tiêu phát triển 30 GW công suất năng lượng gió ngoài khơi vào năm 2030 và sẽ sử dụng doanh thu từ đấu giá để giúp cải thiện mạng lưới truyền tải và đầu tư vào các dự án môi trường.
Các công ty lưới điện của Đức cho biết việc cải thiện và phát triển cơ sở hạ tầng truyền tải để đáp ứng tất cả năng lượng tái tạo mới trên lưới điện có thể tiêu tốn khoảng 128 tỷ euro vào năm 2025.
Với chi phí tiêu đề của các địa điểm tương đương 2 tỷ USD cho mỗi GW, các nhà phân tích tại Bernstein cho biết chi phí này cao so với các cuộc đấu thầu tương tự khác, chẳng hạn như cuộc đấu giá năm 2021 cho các địa điểm ngoài khơi nước Anh.
Lợi nhuận của ngành công nghiệp năng lượng gió đã bị giảm sút do các vấn đề về chuỗi cung ứng, vấn đề chất lượng và áp lực cạnh tranh. Các nhóm công nghiệp cho biết chi phí thuê cao có thể làm tăng chi phí của các dự án điện gió ngoài khơi. Nhà phát triển điện gió Đan Mạch Orsted cho biết họ đã rút khỏi phiên đấu giá vì các chi phí liên quan. Equinor của Na Uy, cũng tham gia, cho biết họ sẽ tiếp tục đánh giá các cơ hội ở Đức như một phần trong chiến lược phát triển tăng trưởng có lãi trong năng lượng tái tạo.
BP cho biết các dự án phù hợp với chiến lược nhắm mục tiêu lợi nhuận từ 6% -8% cho các dự án năng lượng tái tạo và chuyển đổi sang một công ty năng lượng tích hợp với khả năng sử dụng năng lượng cho các doanh nghiệp kinh doanh xe điện hoặc hydro.
TotalEnergies cũng cho biết các dự án phù hợp với kế hoạch trở thành một công ty có lợi nhuận trên thị trường điện và sẽ bán điện trực tiếp trên thị trường hoặc thông qua các thỏa thuận mua bán điện (PPA) được thực hiện trực tiếp với người dùng cuối.
Công ty năng lượng tái tạo MaxSolar của Đức đảm bảo 458 triệu USD cho các dự án năng lượng mặt trời
Hôm thứ Sáu (14/7), Công ty dịch vụ và phát triển dự án năng lượng tái tạo MaxSolar cho biết đã bảo đảm được khoản tài trợ 410 triệu euro (458 triệu USD) cho các dự án năng lượng mặt trời của mình ở Đức. Cơ sở tài chính được các nhà đầu tư tổ chức Infranity, I Squared Capital và Rivage Investment của Pháp cung cấp, và sẽ được chia thành 2 đợt, đợt đầu trị giá 165 triệu Euro và đợt thứ hai là 245 triệu Euro.
Công ty cho biết số tiền này sẽ cho phép công ty lắp đặt 2 gigawatt (GW) các dự án năng lượng mặt trời từ hệ thống các dự án 6,5 GW hiện tại và giúp tuyển dụng nhân tài quốc tế cho năm địa điểm của công ty ở Đức.
Giám đốc điều hành MaxSolar Christoph Strasser cho biết nền tảng tài chính này sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện cho giai đoạn tăng trưởng tiếp theo, giúp công ty mở rộng đáng kể quy mô cung cấp năng lượng của mình. MaxSolar, được thành lập vào năm 2009, cung cấp dịch vụ lập kế hoạch, xây dựng và vận hành các hệ thống năng lượng mặt trời, hệ thống lưu trữ năng lượng và cơ sở hạ tầng sạc, các giải pháp sưởi ấm trong các hệ thống năng lượng tích hợp./.
Theo Petrovietnam

Cùng chuyên mục

Ngành than đóng góp ngân sách trên 280 nghìn tỷ đồng trong 30 năm hoạt động

10/10/2024

Nhờ phát huy hiệu quả sản xuất, kinh doanh trong hành trình xây dựng và phát triển 30 năm, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã nộp ngân sách với số tiền trên 280 nghìn tỷ đồng.

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151