Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ tư, 04/12/2024 | 18:37 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Phát triển năng lượng

Giải pháp nào để thu hút nhà đầu tư tư nhân vào lĩnh vực năng lượng?

16/07/2023
Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, tạo dựng môi trường đầu tư hấp dẫn để thu hút nguồn lực đầu tư tư nhân tham gia vào lĩnh vực năng lượng.
Nghị quyết 55 - bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia
Tại hội thảo “Thúc đẩy đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) trong phát triển một số lĩnh vực kinh tế - xã hội của Việt Nam” do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức ngày 11/7, ông Nguyễn Khắc Quyền, Phó viện trưởng, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách - Bộ Công Thương đã chia sẻ những giải pháp để thu hút nhà đầu tư tư nhân vào lĩnh vực năng lượng.
Ông Quyền cho biết, ngày 11/2/2020 Bộ Chính trị đa ban hành Nghị quyết 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam (Nghị quyết 55), với quan điểm chỉ đạo rất toàn diện và sâu sắc.
Thứ nhất, bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia là nền tảng, đồng thời là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ hai, phát triển năng lượng quốc gia phải phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xu thế hội nhập quốc tế; nhanh chóng xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch, đa dạng hoá hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh.
Thứ ba, phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hoá các loại hình năng lượng; ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch.
Thứ tư, chú trọng nghiên cứu, ứng dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong phát triển tất cả các phân ngành, lĩnh vực năng lượng.
Thứ năm, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường phải được xem là quốc sách quan trọng và trách nhiệm của toàn xã hội.
Theo ông Nguyễn Khắc Quyền, Nghị quyết 55 đã đưa ra quan điểm chỉ đạo, mục tiêu và tầm nhìn để phát triển ngành năng lượng Việt Nam.
Theo đó, mục tiêu tổng quát phát triển năng lượng phải bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái... Khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng; kiên quyết loại bỏ mọi biểu hiện bao cấp, độc quyền, cạnh tranh không bình đẳng, thiếu minh bạch trong ngành năng lượng.
Từ mục tiêu tổng quát, Nghị quyết 55 đã đưa ra các mục tiêu cụ thể như: Cung cấp đủ nhu cầu năng lượng trong nước, đáp ứng cho các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 - 2030; trong đó, năng lượng sơ cấp đến năm 2030 đạt khoảng 175 - 195 triệu TOE (tấn dầu quy đổi), đến năm 2045, đạt khoảng 320 - 350 triệu TOE; tổng công suất của các nguồn điện đến năm 2030 đạt khoảng 125 - 130 GW, sản lượng điện đạt khoảng 550 - 600 tỉ KWh.
Tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15 - 20% vào năm 2030; 25 - 30% vào năm 2045.
Xây dựng hệ thống lưới điện thông minh, hiệu quả, có khả năng kết nối khu vực; bảo đảm cung cấp điện an toàn, đáp ứng tiêu chí N-1 đối với vùng phụ tải quan trọng và N-2 đối với vùng phụ tải đặc biệt quan trọng. Đến năm 2030, độ tin cậy cung cấp điện năng thuộc tốp 4 nước dẫn đầu ASEAN, chỉ số tiếp cận điện năng thuộc tốp 3 nước dẫn đầu ASEAN.
Các cơ sở lọc dầu đáp ứng tối thiểu 70% nhu cầu trong nước; bảo đảm mức dự trữ chiến lược xăng dầu đạt tối thiểu 90 ngày nhập ròng. Đủ năng lực nhập khẩu khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) khoảng 8 tỉ m3 vào năm 2030 và khoảng 15 tỷ m3 vào năm 2045.
Tỷ lệ tiết kiệm năng lượng trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng so với kịch bản phát triển bình thường đạt khoảng 7% vào năm 2030 và khoảng 14% vào năm 2045.
6 giải pháp tạo dựng môi trường đầu tư hấp dẫn
Lãnh đạo Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách - Bộ Công Thương cho biết, thực hiện Nghị quyết số 55, Chính phủ ban hành Chương trình hành động tại Nghị quyết số 140/NQCP ngày 2/10/2020. Theo đó, trong giai đoạn 2021-2025, số lượng nhiệm vụ Bộ Công Thương được giao là 23 trên tổng số 35 nhiệm vụ trong chương trình hành động của Chính phủ.
“Đến nay Bộ Công Thương đang triển khai, và đã hoàn thành nhiều nhiệm vụ” - ông Quyền nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Khắc Quyền, Phó viện trưởng, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách - Bộ Công Thương phát biểu tại hội thảo
Theo đó, Bộ Công Thương đã hoàn thành và trình Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện 8); đồng thời đã hoàn thành và trình Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia; Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia; Chiến lược phát triển ngành công nghiệp Than Việt Nam và Chiến lược phát triển Năng lượng quốc gia.
“Ngoài ra, các nhiệm vụ khác đang trong quá trình nghiên cứu và đề xuất các chính sách cụ thể nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị” - ông Quyền nói.
Dù đã đạt được một số kết quả, song đại Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách - Bộ Công Thương cũng nhìn nhận, trong quá trình triển khai, thực hiện các nhiệm vụ đề án đã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Cụ thể, các nghiên cứu đòi hỏi phải có sự phối kết hợp với các nhiệm vụ, đề án của lĩnh vực khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường, mục tiêu quốc gia về giảm phát thải theo cam kết COP26... Do đó có độ trễ nhất định.
Bên cạnh đó, các thông tin cung cấp cho nghiên cứu từ các nguồn khác ngoài nguồn số liệu thống kê gặp nhiều khó khăn như thiếu số liệu dữ liệu, độ chính xác, không đồng nhất,...
“Trong thời gian tới, một số các nhiệm vụ quan trọng như: Quy hoạch năng lượng quốc gia, Chiến lược năng lượng quốc gia; Chiến lược phát triển ngành điện,... được phê duyệt sẽ là tiền đề giúp đẩy nhanh công tác triển khai và hoàn thiện toàn bộ các nhiệm vụ mà Chính phủ đã giao cho Bộ Công Thương” - ông Quyền khẳng định.
Để thu hút mọi nguồn lực đầu tư tư nhân tham gia đầu tư cho lĩnh vực năng lượng, lãnh đạo Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Bộ Công Thương cho rằng, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp tạo dựng môi trường đầu tư hấp dẫn, nâng cao chất lượng khung pháp lý và năng lực thực hiện hiệu quả trong thực hiện chính sách. Trong đó, cần ưu tiên thực hiện một số nội dung:
Một là, đẩy mạnh thể chế hóa quan điểm của Đảng về các định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, thống nhất quan điểm xây dựng một hành lang pháp lý, cơ chế chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho lĩnh vực năng lượng.
Hai là, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng, từng bước tạo dựng thị trường năng lượng đầy đủ theo cơ chế thị trường; đảm bảo thông thoáng, minh bạch, công bằng giữa mọi thành phần kinh tế.
Ba là, đẩy mạnh công tác đào tạo chuyên môn, đặc biệt là kỹ năng thẩm định, đàm phán hợp đồng dự án PPP cho các bộ ngành và địa phương.
Bốn là, cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực năng lượng; khuyến khích kinh tế tư nhân tham gia xã hội hoá phát triển năng lượng.
Năm là, công khai các quy hoạch năng lượng, hệ thống đấu nối và các vấn đề liên quan khác.
Sáu là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước; phát huy quyền làm chủ của nhân dân và vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong phát triển ngành năng lượng.
Trong khuôn khổ hội thảo “Thúc đẩy đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) trong phát triển một số lĩnh vực kinh tế - xã hội của Việt Nam” các đại biểu còn trao đổi, chia sẻ quan điểm, luận cứ đối với phương thức PPP nhằm xác định những điểm yếu cần khắc phục, những điểm mạnh cần phát huy trong thu hút khu vực tư nhân cùng tham gia cung cấp hạ tầng và dịch vụ công với khu vực nhà nước.
Các tham luận tập trung vào các chủ đề quan trọng, như: Chủ trương của Đảng và Nhà nước về hợp tác công tư trong phát triển kinh tế - xã hội; Một số kinh nghiệm và giải pháp thúc đẩy hợp tác công tư, huy động nguồn lực tư nhân phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam; Sử dụng nguồn lực công làm đòn bẩy thu hút khu vực tư trong PPP; Quá trình chuẩn bị dự án PPP và các vướng mắc; thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực giáo dục đại học ở Việt Nam...
Báo Công Thương.

Cùng chuyên mục

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.893
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.956
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.271
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.860
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.197
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.302