Ảnh minh họa. Nguồn: Straits Times Năng lượng hạt nhân quay trở lại
Theo trang SCMP, kể từ đầu năm 2022, ít nhất 14 quốc gia đã triển khai các đơn vị hạt nhân hoặc công bố các chính sách hỗ trợ. Hiện châu Á đang dẫn đầu.
Trong số tất cả các dự án hạt nhân đang được xây dựng trên toàn cầu, 64% là ở châu Á. Các lò phản ứng ở Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Nhật Bản đại diện cho hầu hết các công trình mới được xây dựng trong khu vực và tiếp tục phát triển. Năm 2019, hạt nhân chỉ chiếm khoảng 5% cơ cấu năng lượng ở châu Á – thấp hơn nhiều so với châu Âu, nơi hạt nhân tạo ra gần 1/4 năng lượng của khu vực, hay gần 20% ở Mỹ. Hà Lan, Thụy Điển, Pháp và Ba Lan đều hy vọng vào sự hồi sinh mạnh mẽ của loại hình năng lượng này trong những năm tới.
Hạt nhân đóng vai trò trong quá trình khử carbon như một nguồn năng lượng sạch không phát thải khí nhà kính. Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự báo mức triển khai hàng năm sẽ tăng gấp 4 lần vào năm 2030. Gió và mặt trời dẫn đầu trong hỗn hợp năng lượng, nhưng năng lượng tái tạo cần được bổ sung bằng năng lượng có thể điều phối được.
Năng lượng hạt nhân phổ biến bởi độ ổn định phát điện cao và là một trong những "ứng cử viên" có thể thay thế than làm nguồn cung cấp điện cho phụ tải cơ bản.
Tại Trung Quốc là một trong những nhà sản xuất năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới. Các cơ quan quản lý đã phê duyệt 16 tổ máy phản ứng hạt nhân mới trong năm qua. Theo ước tính của ngân hàng JPMorgan, tổng công suất bổ sung liên quan đến hạt nhân sẽ đạt khoảng 16,5GW, tương đương 231 tỷ nhân dân tệ (32,4 tỷ USD).
Trong tương lai, với nỗ lực hướng tới trung hòa carbon, Trung Quốc dự kiến sẽ có thêm khoảng 6-8 dự án mới mỗi năm cho đến năm 2030. Trung Quốc đã đặt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060, với tỷ trọng năng lượng hạt nhân tăng từ khoảng 5% lên khoảng 25%.
Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của năng lượng hạt nhân trong việc đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2070. Các kế hoạch này nhằm tăng gấp 3 lần công suất phát điện hạt nhân lên 22,48GW vào năm 2031 từ mức dưới 1% trong cơ cấu năng lượng hiện tại. Điều này cho thấy một khoản đầu tư rất lớn và sẽ làm nổi bật vị thế của Ấn Độ là một trong số ít các nước đang phát triển có công nghệ bản địa cho các lò phản ứng hạt nhân.
Thực tế, Ấn Độ là một trong những quốc gia có trữ lượng thorium lớn nhất thế giới, có thể chuyển đổi thành uranium trong giai đoạn cuối của chương trình hạt nhân 3 giai đoạn, mang lại thêm lợi ích an ninh năng lượng. Điều này sẽ giúp giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch.
Nhiều quốc gia tham gia
Hạt nhân là nguồn năng lượng không phát thải nhưng các nhà đầu tư có quan điểm bền vững thường đưa ra các lý luận riêng. Những lo ngại xung quanh sự an toàn và tác động môi trường của chất thải phóng xạ đã tạo ra rào cản cho việc triển khai hạt nhân.
Gần đây, vấn đề năng lượng hạt nhân dường như đã nổi lên khi cả Nhật Bản và Hàn Quốc tập trung nhiều hơn vào các chiến lược này. Hiện Seoul hiện đang tìm kiếm sự kết hợp cân bằng giữa sản xuất điện bao gồm cả năng lượng hạt nhân và năng lượng tái tạo. Việc xây dựng các dự án hạt nhân hiện tại đã được nối lại. Chính phủ cũng đang xem xét xây dựng các nhà máy mới, bổ sung vào những nhà máy đã được phê duyệt trước đó.
Tại Nhật Bản, chính phủ đã tuyên bố năng lượng hạt nhân sẽ đóng "vai trò quan trọng như một nguồn năng lượng cơ bản không chứa carbon để đạt được sự ổn định về nguồn cung và tính trung hòa carbon".
Vào tháng 5, cơ quan lập pháp quốc gia này đã thông qua Dự luật cung cấp năng lượng khử cacbon GX, trong đó có phần mở rộng cho phép các nhà máy điện hạt nhân tiếp tục hoạt động trong hơn 60 năm sau khi bắt đầu đi vào hoạt động chính thức.
Luật xác định rõ ràng trách nhiệm của chính phủ trong việc sử dụng các nhà máy điện hạt nhân để đảm bảo nguồn cung cấp điện ổn định và hướng đến mục tiêu một xã hội không có carbon.
Tuy nhiên, sự chấp nhận của xã hội đối với năng lượng hạt nhân vẫn là rào cản chính đối với việc triển khai rộng rãi. Cụ thể, các cuộc tranh luận và phản ứng dữ dội của xã hội xung quanh việc xả nước thải từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima (Nhật Bản) hồi đầu năm nay nêu bật mức độ ảnh hưởng của dư luận trong việc thúc đẩy cuộc tranh luận xung quanh năng lượng hạt nhân và không thể bỏ qua.
Tuy nhiên, với việc đưa hạt nhân vào phân loại hoạt động xanh của châu Âu vào năm ngoái và sau đó là Hàn Quốc trong nỗ lực tiếp tục đưa vào danh sách xanh tương tự , năng lượng hạt nhân có thể đang bước vào giai đoạn triển khai mới hợp lý hơn ở nhiều quốc gia khác trên thế giới trong thời gian tới.
Theo Tổ quốc