Indonesia vừa mở một nhà máy năng lượng mặt trời nổi ở Tây Java, một phần trong kế hoạch tận dụng các hồ chứa nước để tạo ra nhiều điện tái tạo hơn. Tổng thống Joko Widodo đã có mặt tại buổi lễ đánh dấu việc khai trương nhà máy Cirata – cách Thủ đô Jakarta khoảng 100 km về phía Tây – vào hôm thứ Năm.
Tổng thống Joko Widodo (giữa) dự lễ khánh thành Nhà máy quang điện nổi Cirata. Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng là ưu tiên hàng đầu của ông, trong đó Indonesia đặt mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2060. Ảnh: BloombergIndonesia đã ban hành quy định vào tháng 7 cho phép sử dụng tới 20% diện tích hồ chứa để sản xuất năng lượng tái tạo. Ông Widodo nói: “Đây là một ngày lịch sử vì ước mơ lớn của chúng tôi là xây dựng một dự án năng lượng tái tạo ở quy mô lớn cuối cùng đã thành hiện thực”.
Năng lượng mặt trời nổi ngày càng trở nên phổ biến như một giải pháp năng lượng sạch cho các quốc gia thiếu đất đai hoặc ở những nơi mà sự phát triển trên đất liền gặp phải sự phản đối.
Theo tổ chức nghiên cứu BloombergNEF, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc là những quốc gia đang áp dụng giải pháp này.
Trạm tăng áp và mảng nổi của nhà máy năng lượng mặt trời nổi Cirata. Ảnh: Tân Hoa Xã Dữ liệu của BNEF cho thấy công suất ban đầu của Cirata lớn hơn các địa điểm hiện đang hoạt động ở Đông Nam Á, mặc dù các cơ sở lớn hơn hiện đang được phát triển ở các quốc gia bao gồm Malaysia và Việt Nam. Nó cũng nhỏ hơn các nhà máy năng lượng mặt trời nổi hiện có ở nơi khác, bao gồm cả tỉnh An Huy của Trung Quốc.
Ở những nơi khác của Indonesia, Tập đoàn Sunseap đã đề xuất xây dựng một nhà máy công suất 2,2 gigawatt trên một hồ chứa ở đảo Batam gần Singapore, trong khi Reposttren Holdings đang lên kế hoạch xây dựng cơ sở 2GW ở Tây Java.
Theo Nhà báo và Công luận