Ảnh minh họa
Các nhà lãnh đạo ngành dầu mỏ ở Canada từ lâu đã thúc đẩy việc xây dựng cơ sở xuất khẩu LNG để đảm bảo vị thế của nước này trên thị trường năng lượng toàn cầu, khi nhu cầu về dầu thô, đặc biệt là cát dầu chứa nhiều carbon của Canada, bắt đầu suy yếu.
Việc toàn cầu chuyển hướng khỏi nguồn cung cấp khí đốt của Nga đã mở ra cơ hội cho các nhà khai thác và xuất khẩu thay thế. Giám đốc điều hành của tập đoàn dầu mỏ Enbridge của Canada, ông Greg Ebel, cho biết: “Khí đốt tự nhiên là một thành phần quan trọng ở rất nhiều khu vực khác nhau trên thế giới và sẽ tiếp tục đóng vai trò như vậy như một phần trong các mục tiêu bền vững của chúng tôi, như một kế hoạch dự phòng cho năng lượng tái tạo. . . Ngày càng có nhiều người muốn có một lối sống tốt hơn và điều đó có nghĩa là năng lượng rẻ, giá cả phải chăng, an toàn… Và chắc chắn, trong nhiều thập kỷ tới, điều đó sẽ liên quan đến khí đốt tự nhiên và dầu mỏ.”
Canada là nước khai thác dầu và khí đốt tự nhiên lớn thứ năm thế giới, với sản lượng khí đốt ngày càng tăng trong thập kỷ qua. Khối lượng xuất khẩu khí đốt của nước này dự kiến sẽ tăng lên khoảng 21 tỷ feet khối (bcf) mỗi ngày vào năm 2030, từ 17,5 bcf mỗi ngày hiện nay. Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu của nước này vẫn tụt hậu so với các nước khai thác khí đốt khác.
Ông Ebel tin rằng xuất khẩu khí đốt của Canada có thể thay thế than được sử dụng ở các nước khác để giúp giảm lượng khí thải. Ông nói: “Ngay cả với sự mở rộng của Mỹ, vẫn còn nhiều cơ hội để Canada trở thành một nhà cung cấp quan trọng”.
Canada hiện đang đặt mục tiêu trở thành nhà xuất khẩu LNG lớn trong những năm tới. LNG Canada, một liên doanh của Shell, PETRONAS, PetroChina, Mitsubishi Corporation và Korea Gas Corporation, đang phát triển cơ sở xuất khẩu LNG đầu tiên của Canada tại British Colombia. Tập đoàn đã thông báo vào tháng 6 rằng việc xây dựng dự án đã hoàn thành hơn 80% và họ đang chuẩn bị bắt đầu hoạt động. Dự kiến, nhà máy sẽ có công suất sản xuất 14 triệu tấn/năm và có tiềm năng mở rộng trong tương lai.
Sau khi cơ sở hoàn thành, nhà máy sẽ bao gồm một đơn vị tiếp nhận khí đốt tự nhiên và sản xuất LNG, một cảng có khả năng tiếp nhận hai tàu chở LNG, một bến tàu kéo và đường tải LNG. Giai đoạn đầu tiên dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2025, sau đó sẽ phát triển giai đoạn thứ hai để tăng gấp đôi công suất hàng năm lên 28 triệu tấn.
Dự án ban đầu được lên kế hoạch như một phương thức vận chuyển một lượng lớn khí metan từ Canada đến châu Á. Tuy nhiên, sau cuộc xung đột Nga-Ukraine và nỗ lực tìm kiếm nguồn cung cấp khí đốt thay thế, dự án trị giá hàng tỷ USD này đã phát triển theo chiều hướng khác. Cơ sở này hiện đang được phát triển để có hai đơn vị chuyển đổi khí mêtan thành dạng lỏng để vận chuyển.
Cơ sở này sẽ sử dụng nặng lượng từ nhà máy thủy điện để chạy tua bin hóa lỏng khí đốt, nhằm giảm lượng khí thải carbon. Nhưng điều này sẽ đòi hỏi phải lắp đặt hàng trăm km đường truyền mới để đến được địa điểm xa xôi của nhà máy trên bờ biển phía Tây Bắc.
LNG Canada đã thảo luận với tỉnh và BC Hydro, một tập đoàn điện lực nhà nước, về việc quản lý nhu cầu thủy điện tại khu vực này.
Việc xây dựng cơ sở xuất khẩu LNG đầu tiên của Canada có thể hỗ trợ sự phát triển nhanh chóng năng lực khí đốt tự nhiên của Mỹ để đưa khu vực Bắc Mỹ lên vị trí dẫn đầu chuỗi cung ứng LNG. Trong năm qua, một số công ty dầu khí lớn đã công bố các dự án LNG mới nhằm củng cố an ninh năng lượng của Mỹ và cung cấp chuỗi cung ứng khí đốt mới sau cuộc xung đột Nga-Ukraine và các lệnh trừng phạt sau đó với năng lượng của Nga.
Tuy nhiên, Mỹ đã bị chỉ trích vì phê duyệt quá nhiều dự án LNG dài hạn mà cần rất nhiều năm nữa mới có thể đưa vào vận hành. Điều này đồng nghĩa với việc các dự án này có thể góp phần tạo ra lượng khí thải carbon dài hạn và làm tổn hại đến các cam kết về khí hậu của chính phủ.
Ngành công nghiệp dầu khí Canada rất nhiệt tình xung quanh việc xây dựng cảng xuất khẩu LNG đầu tiên của đất nước. Sự phát triển này có thể giúp Canada đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng chuỗi cung ứng LNG của Bắc Mỹ. Tuy nhiên, dự án khí đốt mới đặt ra câu hỏi về một số cam kết về khí hậu của Canada, với nguy cơ thúc đẩy sự phụ thuộc lâu dài vào nhiên liệu hóa thạch, vì việc mở rộng cơ sở này có thể diễn ra trong thập kỷ tới.