Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Chủ nhật, 10/11/2024 | 16:04 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Nghiên cứu đào tạo

Năng lượng Nhật Bản: Điện hạt nhân, năng lượng tái tạo là 2 nguồn chiến lược

26/06/2023
Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26), Nhật Bản cùng Việt Nam và nhiều quốc gia khác đã cam kết đưa mức phát thải ròng CO2 về 0 vào năm 2050. Để thực hiện cam kết này, Nhật Bản đã đưa ra Chính sách cơ bản Chuyển đổi xanh (GX-Green Transformation). Chính sách này đã được Chính phủ Nhật Bản quyết định tại cuộc họp nội các (ngày 10/2/2023), các dự luật liên quan dự kiến sẽ được trình Quốc hội Nhật Bản thông qua trong cuộc họp thường kỳ sắp tới.
Theo đó, nội dung chính của Chính sách cơ bản Chuyển đổi xanh là:
1/ Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng.
2/ Đưa năng lượng tái tạo (NLTT) thành nguồn điện chính với tỷ lệ thích hợp (xem hình 2).
3/ Tiếp tục phát triển điện hạt nhân (tái khởi động các tổ máy đáp ứng yêu cầu an toàn, thiết kế mới tiên tiến, xây dựng nhà máy mới).
4/ Các biện pháp khác (bao gồm bỏ nhiệt điện than, nâng cao hiệu quả thiết bị, khuyến khích đốt hỗn hợp hydro/ammoniac, duy trì và mở rộng thuỷ điện tích năng; dùng pin lưu trữ điện; công nghệ tái sử dụng, hoặc bảo quản CO2; hoàn thiện hệ thống truyền tải toàn quốc và tải điện DC dưới biển…).
Nhật Bản là một trong những quốc gia phát triển NLTT, đặc biệt là năng lượng mặt trời từ rất sớm. Từ tháng 7/2012, khi cơ chế giá mua ổn định cho NLTT (cơ chế FIT) được áp dụng, công nghệ điện mặt trời đã bùng nổ ở Nhật Bản, với tổng công suất phát điện đứng thứ 3 thế giới (chỉ sau Trung Quốc, Mỹ) và công suất năng lượng mặt trời ở đồng bằng đứng đầu thế giới. Tuy nhiên, điều này cũng cho thấy điện mặt trời không còn nhiều dư địa để tiếp tục phát triển tại quốc gia này, mặc dù tỷ lệ nguồn điện này hiện nay là 9,5% (hình 1).
Một mặt khác, để ổn định hệ thống điện, tỷ lệ điện tái tạo không thể quá cao trong hệ thống.

Hình 1: Cơ cấu nguồn điện của Nhật Bản năm 2021 (tính theo sản lượng điện).
Trong bối cảnh là quốc gia đứng thứ 5 thế giới về lượng phát thải các-bon (sau Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Nga) theo thống kê năm 2019, Nhật Bản đã thực hiện nhiều nỗ lực để cắt giảm các-bon. Tuy nhiên, đến năm 2021, việc sử dụng điện từ các nguồn phát điện truyền thống như than đá, nhiệt điện, thủy điện vẫn còn tương đối cao. Điều này cũng tác động khá lớn tới giá điện trung bình tại Nhật Bản, đặc biệt là sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra gây ảnh hưởng tới tình hình cung cấp năng lượng trên toàn cầu, thì hóa đơn tiền điện của các hộ gia đình ở Tokyo cũng tăng vọt vào năm 2022.
Thêm vào đó, ngày 16/3/2022, một trận động đất mạnh 7,4 độ richte đã xảy ra tại Fukushima khiến 11 nhà máy điện than bị mất nguồn, trực tiếp khiến 2,1 triệu hộ gia đình ở Tokyo mất điện. Ngay sau đó, ngày 22/3/2022, Chính phủ Nhật Bản đã ban bố “Cảnh báo siết chặt cung - cầu điện” trong bối cảnh nhiệt độ giảm, các nhà máy điện than ở Fukushima chưa kịp khôi phục sau sự cố và các nhà máy điện mặt trời không thể cung cấp điện trong tiết trời nhiều mây ở thời điểm đó. Ngày 8/4/2022, Thủ tướng Nhật Bản đã phát biểu: “Chúng tôi sẽ tận dụng tối đa năng lượng tái tạo, năng lượng hạt nhân và các nguồn khử các-bon hiệu quả cao khác”. Đây là lần đầu tiên “năng lượng hạt nhân” được Thủ tướng nhắc tới như là một nguồn điện chính kể từ sau sự cố Fukushima.
Để triển khai sáng kiến năng lượng xanh, dự kiến trong thời gian tới, Nhật Bản sẽ đưa NLTT trở thành nguồn điện chính bằng cách:
Thứ nhất: Mở rộng việc lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời tại các công trình công cộng, nhà ở, nhà máy/kho, sân bay, đường sắt…
Thứ hai: Mở rộng quy mô điện gió ngoài khơi (xây dựng điện gió nổi trên biển).
Thứ ba: Thúc đẩy sản xuất năng lượng địa nhiệt, thủy điện và sinh khối (xem xét các quy định và hệ thống…).
Thứ tư: Đưa vào và mở rộng cơ chế phí bảo hiểm bổ sung (FIP).
Thứ năm: Thúc đẩy sử dụng pin lưu trữ.
Thứ sáu: Phát triển hệ thống truyền tải toàn quốc và truyền tải điện DC dưới biển.
Thứ bảy: Duy trì và mở rộng thủy điện tích năng.
Thứ tám: Nghiên cứu phát triển và thương mại hóa lưu trữ điện dư thừa trong hydro.
Như vậy, song song với phát triển NLTT, Nhật Bản tiếp tục thực hiện lộ trình tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân đạt tiêu chuẩn (hiện nay 10 tổ máy điện hạt nhân đã được tái khởi động và đang vận hành, chiếm 6,6% sản lượng điện - hình 1). Đồng thời, kép dài tuổi thọ cho các nhà máy điện hạt nhân lên 60 năm sau khi tiến hành một loạt các đánh giá nghiêm ngặt về mức độ an toàn. Tỷ lệ NLTT và điện hạt nhân trong cơ cấu nguồn điện năm 2030 (được chi tiết ở hình 2).

Hình 2: Cơ cấu nguồn điện Nhật Bản năm 2030 (cột sau cùng là quy hoạch năm 2015).
Hiện nay, Nhật Bản đang trong quá trình thiết kế cơ bản cho lò nước nhẹ tiên tiến (hình 3). Dự kiến tới năm 2030 sẽ hoàn thành việc thiết kế chi tiết hệ thống, đồng thời xin phê duyệt/cấp phép. Việc chế tạo/xây dựng và đưa công nghệ mới vào vận hành dự kiến sau năm 2040. Đây được coi là một tín hiệu đáng mừng, mở ra một thời kỳ mới của điện hạt nhân tại Nhật Bản kể từ sau sự cố năm 2011.

Hình 3: Những tính năng nổi bật của lò nước nhẹ tiên tiến thế hệ tiếp theo.
Có thể thấy được 12 năm sau sự cố Fukushima, Nhật Bản đã nỗ lực để giải quyết vấn đề điện năng, trong đó đưa NLTT thành nguồn điện quan trọng trong cơ cấu phát điện, và cũng phù hợp với xu thế chống biến đổi khí hậu, cân bằng phát thải CO2 như Nhật Bản đã cam kết. Đồng thời, Nhật Bản cũng rất nỗ lực để giữ và tiếp tục phát triển ngành công nghiệp điện hạt nhân. Cụ thể là tái khởi động các tổ máy sau khi củng cố an toàn, nghiên cứu để đưa ra các thiết kế mới tiên tiến và tiếp tục xây dựng mới các nhà máy điện hạt nhân để có thể đưa tỷ lệ điện hạt nhân đạt khoảng 20 - 22% trong cơ cấu điện năng năm 2030.
(Đón đọc kỳ tới...)
BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Cùng chuyên mục

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.893
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.956
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.271
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.860
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.197
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.302