Ngày 14/6, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Diễn đàn cấp cao thường niên về công nghiệp 4.0. Trong khuôn khổ diễn đàn, hội thảo chuyên đề 3 được tổ chức với chủ đề xu hướng công nghệ và giải pháp phát triển công nghiệp năng lượng của Việt Nam trong chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
TS. Nguyễn Đức Hiển – Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Ngành công nghiệp năng lượng Việt Nam đang gặp khó
TS. Nguyễn Đức Hiển – Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết, Nghị quyết 29 ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước Việt Nam 2030 đã xác định ngành công nghiệp năng lượng là một trong 6 ngành công nghiệp nền tảng, trong đó ưu tiên phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, công nghiệp năng lượng mới.
Nghị quyết cũng đề ra nhiều hướng để phát triển những ngành công việc năng lượng, như định hướng về khuyến khích các tập đoàn, doanh nghiệp trong nước liên kết, liên doanh với các doanh nghiệp nước ngoài sản xuất thiết bị năng lượng sạch, tái tạo, pin lưu trữ công nghệ..
Định hướng xây dựng và triển khai các đề án để phát triển các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế để Nhà nước và tư nhân có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả và năng lực cạnh tranh quốc tế đóng vai trò dẫn dắt trụ cột trong lĩnh vực năng lượng.
Theo ông Hiển, Nghị quyết cũng xác định doanh nghiệp FDI có vai trò quan trọng của đột phá, nhưng để thực hiện thành công quá trình này thì doanh nghiệp trong nước vẫn là đóng vai trò là quyết định quá trình thực hiện thành công mục tiêu này.
Trước đó, Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định phải từng bước làm chủ công nghệ hiện đại, tiến tới tự chủ sản xuất được phần lớn các thiết bị năng lượng, chú trọng nghiên cứu, ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong phát triển tất cả các phân ngành, lĩnh vực năng lượng…
Một số nhiệm vụ và giải pháp được Nghị quyết 55 đề ra, trong đó có việc khẩn trương xây dựng và thực thi các cơ chế, chính sách khuyến khích nâng cao tỉ lệ nội địa hoá trong ngành năng lượng, bảo đảm thực hiện tốt các yêu cầu, chỉ tiêu cụ thể về tỉ lệ nội địa hoá đối với các nhà máy điện nói riêng và dự án năng lượng nói chung.
Nhắc đến Quy hoạch điện VIII vừa được phê duyệt, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết Quy hoạch đã đề ra nhiều biện pháp quan trọng, như định hướng hình thành các trung tâm công nghiệp năng lượng tái tạo; khuyến khích doanh nghiệp trong nước thực hiện các công trình dự án điện phức tạp, kỹ thuật cao…
Quy hoạch điện VIII xác định mục tiêu cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2021 - 2030, khoảng 6,5 - 7,5%/năm trong giai đoạn 2031 - 2050; hát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện, đạt tỉ lệ khoảng 30,9 - 39,2% vào năm 2030…
Tuy nhiên, ông Hiển cũng chỉ ra ngành công nghiệp năng lượng Việt Nam đang gặp một số khó khăn thách thức. Trong đó nhu cầu năng lượng đang phát triển rất nhanh trong khi các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, nhiều dự án điện bị chậm so với quy hoạch, kế hoạch.
Trữ lượng và sản lượng sản xuất của than và dầu thô, khí suy giảm hàng năm. Yêu cầu nhập khẩu năng lượng là một vấn đề trong tình hình phát triển của ngành công nghiệp năng lượng Việt Nam vì nó làm giảm khả năng tự chủ về năng lượng, tăng sự phù thuộc vào các nền kinh tế khác.
Tình hình phát triển của ngành công nghiệp năng lượng thế giới thời gian qua cho thấy có sự chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp năng lượng với sự thay đổi của các chính sách, cơ cấu, công nghệ: từ sản xuất, tiêu thụ các nguồn nhiên liệu hoá thạch truyền thống (than, dầu, khí tự nhiên) sang các nguồn năng lượng tái tạo bền vững (gió, mặt trời, sinh khối...).
Thời gian gần đây, do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, ông Hiển cho biết việc đảm bảo năng lượng trong đặt ra yêu cầu Việt Nam phải nhanh chóng thể chế hóa, cụ thể hóa những định hướng đề ra trong Nghị quyết 29, bởi thực tế nhiều chính sách trong phát triển ngành công nghiệp năng lượng nói chung và ngành điện nói riêng còn khá chậm.
Ban Kinh tế Trung ương muốn lắng nghe góp ý về việc Việt Nam cần điều kiện gì để khuyến khích các doanh nghiệp trong phát triển ngành công nghiệp năng lượng; cơ chế phối hợp giữa Trung ương và địa phương.
"Chúng tôi cũng muốn lắng nghe ý kiến của các bộ ngành về vướng mắc trong thực tiễn để tổng hợp, báo cáo các cấp lãnh đạo cao nhất của Việt Nam, tháo gỡ để năng lượng thực sự được ưu tiên đi trước một bước và là ngành công nghiệp nền tảng quan trọng trong chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn 2045", ông Hiển nói.
Dư địa tiết kiệm năng lượng còn rất lớn
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Năng lượng và Môi trường nhận định tiềm năng năng lượng tái tạo như gió và mặt trời ở Việt Nam là rất lớn, nhưng để khai thác hiệu quả và khắc phục hạn chế của các loại hình này cần công nghiệp linh hoạt về lưu trữ, tăng cường lưới điện.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Năng lượng và Môi trường phát biểu tại Hội thảo Về tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, theo ông Nguyễn Anh Tuấn, đây luôn được coi là khoản đầu tư có chi phí thấp nhất. "Dư địa tiết kiệm năng lượng còn rất lớn. Chúng ta có thể tiết kiệm tổng tiêu thụ năng lượng lên đến 8,4% trong giai đoạn đến năm 2030 và từ 19 đến 22% đến năm 2050", ông Tuấn nói.
Một vấn đề quan trọng khác được ông đặt ra là thách thức về đảm bảo an ninh cung cấp điện và cung cấp nhiên liệu năng lượng trong cái bối cảnh là hạ tầng năng lượng còn hạn chế. “Vậy làm thế nào vừa thực hiện chuyển dịch năng lượng, vừa tránh các rủi ro về mất an toàn cung cấp năng lượng trong hoàn cảnh giá nhiên liệu?”, ông Tuấn đặt vấn đề.
Nhắc đến tình trạng thiếu điện ở miền Bắc trong hai tháng gần đây, ông Tuấn nhấn mạnh việc này đã được cảnh báo nhưng để đưa vào được một nguồn điện mới cần ít nhất khoảng 3 - 4 năm, thậm chí lâu hơn. Bởi vậy, theo ông Tuấn việc chuẩn bị để đảm bảo an ninh năng lượng phải làm từ sớm.
Liên quan tới phát triển điện gió, điện mặt trời, ông Tuấn cho biết, công nghệ thiết bị điện mặt trời đang phát triển nhanh và xu thế giá rẻ. Tuy nhiên, cần phải rút kinh nghiệm từ những hệ lụy trong đầu tư thời gian vừa qua để nguồn điện này không chỉ sản xuất tự sản, tự tiêu mà vẫn khuyến khích hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp, song cũng không ảnh hưởng xấu tới lưới điện.
Theo Báo Công Thương