Tin hoạt động điện lực

Tổng công ty Điện lực TP.Hồ Chí Minh: Đưa vào vận hành 3 công trình trọng điểm

Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh (EVN HCMC) vừa đưa vào vận hành 3 công trình trọng điểm đồng bộ với đường dây (ĐD) 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông và trạm 500kV Cầu Bông, góp phần bảo đảm cung cấp điện, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP. Hồ Chí Minh.

Trạm biến áp 220/110kV Củ Chi

Trạm biến áp 220/110kV Củ Chi

CôngThương - Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm nguồn điện cho miền Nam trong năm 2014, EVN đã triển khai Dự án ĐD 500kV Pleiku- Mỹ Phước - Cầu Bông. Đi kèm với các dự án truyền tải cấp điện áp 500kV là các công trình truyền tải cấp điện áp 220-110kV.  EVN HCMC được ENV giao thực hiện 3 công trình trọng điểm: ĐD 220-110kV Cầu Bông -  Củ Chi, TBA 220kV Củ Chi và TBA 110 Cầu Bông nối cấp. Theo EVN HCMC, tổng vốn thực hiện 3 dự án gần 1.750 tỷ đồng. Mục tiêu chung là truyền tải công suất từ các nguồn phát điện khu vực miền Bắc và miền Trung về cung cấp điện cho vùng trọng điểm kinh tế phía Nam và TP.Hồ Chí Minh.

3 công trình trên được xây dựng nhằm truyền tải công suất từ TBA 500/220kV Cầu Bông đến các TBA 110 kV thuộc khu vực Tây Bắc thành phố và cấp điện cho khu vực các tỉnh Long An, Tây Ninh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội chung của khu vực.

Việc EVN HCMC đẩy mạnh đầu tư xây dựng lưới điện, đồng thời đưa 3 công trình sớm đi vào vận hành, đã hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm nguồn cung cấp điện ổn định và linh hoạt trong vận hành cho huyện Củ Chi và các vùng lân cận thuộc khu kinh tế trọng điểm của thành phố, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng.

Các công trình đi vào hoạt động sẽ bảo đảm cung cấp điện ổn định, độ tin cậy cao; tăng cường khả năng kết lưới cho hệ thống điện toàn miền Nam; giảm bán kính cung cấp điện cho các TBA 220kV trong khu vực; giảm tổn thất điện năng; phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006 - 2015, có xét đến năm 2025. Đồng thời góp phần bảo đảm nguồn cung cấp điện ổn định và linh hoạt cho thành phố, trong đó có huyện Củ Chi và các khu vực lân cận thuộc cửa ngõ Tây Bắc.

Theo đó, TBA 220/110kV Củ Chi là trạm nút trung gian được xây dựng nhằm mục đích tiếp nhận công suất lưới điện quốc gia và phân phối cho các TBA 220- 110kV trong khu vực Tây Bắc thành phố. Đi kèm với các tuyến dây 220/110 kV nói trên, cũng đã xây dựng hệ thống thông tin liên lạc phục vụ công tác điều độ hệ thống, vận hành, quản lý hành chính và bảo vệ lưới điện. Bên cạnh đó, công trình này cũng sẵn sàng tham gia phục vụ công tác viễn thông của ngành điện, trong đó trang bị thiết bị thông tin quang STM-1/ADM tại TBA 220kV Củ Chi để thiết lập các tuyến thông tin quang TBA 220kV Củ Chi – TBA 500kV Tân Định, TBA 220kV Củ Chi – TBA 220kV Trảng Bàng và tái lập các kênh truyền thông tin tuyến TBA 220kV Trảng Bàng – TBA 500kV Tân Định. Dự phòng cổng STM-1 để kết nối với TBA 500kV Cầu Bông. Ngoài ra còn trang bị mới 2 cặp thiết bị ghép nối rơ - le bảo vệ, bảo đảm đáp ứng bảo vệ xa cho 2 tuyến đường dây 220kV Trảng Bàng – Tân Định cho 2 mạch. Trong khi đó, TBA 110kV Cầu Bông là trạm nối cấp từ TBA 500kV Cầu Bông để cung cấp phụ tải cho địa bàn huyện Củ Chi và Hóc Môn…

Chưa đầy một năm, tính từ ngày khởi công (7/2013 - 6/2014), với nỗ lực của EVN HCMC, Ban Quản lý dự án lưới điện TP.Hồ Chí Minh, các nhà thầu, cả 3 dự án đã hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác.

Thanh Minh

Tác giả: Theo Báo Công Thương ; xuất bản: 06/09/2014 08:28
Họ tên của bạn
Địa chỉ Email  
Tiêu đề
Nội dung
Mã xác nhận
Gửi nhận xét