Giám sát cung cấp điện

Tình hình cung cấp điện trong 6 tháng đầu năm và kế hoạch cung cấp điện 6 tháng cuối năm 2022

Trong các tháng đầu năm 2022, nền kinh tế Việt Nam cũng như thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn so với các dự báo đưa ra trước đó của các tổ chức quốc tế. Ảnh hưởng của tình hình địa chính trị trên thế giới, diễn biến của đại dịch Covid 19 đã  tạo ra rào cản lớn đối với sự hồi phục kinh tế, gây nên những căng thẳng mới đối với chuỗi cung ứng và tạo áp lực lạm phát. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng, giá cước vận tải gia tăng đã đẩy giá các mặt hàng chiến lược, thiết yếu  (dầu, khí đốt, lương thực) và giá các mặt hàng nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất (than, gỗ, phân bón, titan, nhôm…) tiếp tục tăng cao, một số mặt hàng chạm các mốc kỷ lục đã ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam nói chung và ảnh hưởng đến việc cung cấp nhiên liệu sơ cấp cho sản xuất điện nói riêng.

Để đảm bảo cung ứng điện trong năm 2022, ngày 31 tháng 12 năm 2021, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 3063/QĐ-BCT phê duyệt Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2022, trong đó dự kiến sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống cả năm 2022 (bao gồm sản lượng điện mặt trời mái nhà bán vào hệ thống điện quốc gia) là 275,505 tỷ kWh, tăng 7,88% so với năm 2021. Mặc dù có những khó khăn nhất định, trong 6 tháng đầu năm 2022, tình hình sản xuất và cung ứng điện cho toàn hệ thống điện quốc gia đã được thực hiện tốt, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu điện cho sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân cả nước, đặc biệt là trong các dịp nghỉ Lễ, Tết dài ngày, trong thời gian diễn ra SEA Games 31 (diễn ra từ ngày 06 đến ngày 23 tháng 5 năm 2022 tại Thủ đô Hà Nội và 11 tỉnh, thành phố phía Bắc) và trong thời gian diễn ra Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV (diễn ra từ ngày 23 tháng 5 đến ngày 17 tháng 6 năm 2022). Theo đó, tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 134,8 tỷ kWh (bao gồm sản lượng điện mặt trời mái nhà bán vào hệ thống điện quốc gia), tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2021, cao hơn 1,178 tỷ kWh so với Quyết định số 3063/QĐ-BCT. Cụ thể một số thông tin vận hành hệ thống điện trong 6 tháng đầu năm 2022 như sau:

Hình 1: Tỷ trọng huy động nguồn điện 6 tháng đầu năm 2022

Ngày có sản lượng và công suất lớn nhất của hệ thống điện quốc gia trong 6 tháng đầu năm là ngày 21/6/2022, công suất lớn nhất của hệ thống điện quốc gia đạt 45.528 MW, cao hơn 7,3% so với công suất cực đại năm 2021 (42.482MW), sản lượng lớn nhất của hệ thống điện quốc gia đạt 909,709 triệu kWh, cao hơn 3,3% so với sản lượng cực đại năm 2021 (808,298 triệu kWh).

Hình 2: Biểu đồ phụ tải ngày 21 tháng 6 năm 2022

Tình hình thủy văn của các hồ thủy điện 6 tháng đầu năm 2022 tốt hơn so với trung bình nhiều năm, sản lượng huy động các nhà máy thủy điện trong 6 tháng đầu năm đạt 42,484 tỷ kWh, cao hơn 11,023 tỷ kWh so với kế hoạch,  tính đến ngày 30/6/2022 mực nước thượng lưu một số hồ thủy điện lớn như sau:

Hồ thủy điện

Mực nước thượng lưu - Htl (m)

Htl (m) ngày 30/6/2022

So với Htl cùng kỳ 2021

So với MNDBT (m)

So với MNC (m)

Lai Châu

294,9

+27,6

-0,1

29,9

Sơn La

200,3

+15,0

-14,7

25,3

Hoà Bình

105,2

+13,5

-11,8

25,2

Bản Chát

474,5

+25,0

-0,5

43,5

Huội Quảng

369,9

+1,4

-0,1

1,9

Thác Bà

52,8

+4,6

-5,2

6,8

Tuyên Quang

104,7

+6,9

-15,3

14,7

A Vương

369,3

+12,1

-10,7

29,3

Pleikrong

544,3

0,0

-25,7

7,3

Ialy

500,7

+11,1

-14,3

10,7

Sê San 3

303,3

-0,1

-1,2

0,1

Sê San 4

210,0

-0,9

-5,0

0,0

Trị An

52,1

+0,6

-9,9

2,1

Thác Mơ

205,3

+6,4

-12,7

7,3

Hàm Thuận

589,8

+11,3

-15,2

14,8

Đại Ninh

868,3

+3,5

-11,7

8,3

 

Tình hình cung cấp than cho sản xuất điện trong 6 tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn, Cục Điều tiết điện lực đã tham mưu Lãnh đạo Bộ Công Thương ban hành các văn bản chỉ đạo các đơn vị cung cấp than, chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện than thực hiện ngay các giải pháp theo quy định của pháp luật để đảm bảo cung cấp than, trong mọi trường hợp không để thiếu than cho sản xuất điện. Tính đến ngày 30 tháng 6 năm 2022 tình hình cấp than đã có nhiều chuyển biến tích cực, cơ bản đảm bảo đủ than cho vận hành phát điện.

Trong 6 tháng cuối năm 2022, theo phương thức vận hành hệ thống điện tháng 7 năm 2022, dự kiến lũy kế cả năm 2022, điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện ước đạt 274,464 tỷ kWh, tăng 7,6% so với năm 2021, bằng 99,6% so với mức dự báo tại Quyết định số 3063/QĐ-BCT. Về cơ bản năm 2022 sẽ không thiếu điện để phục vụ sản xuất và sinh hoạt theo Kế hoạch vận hành hệ thống điện quốc gia đã được Bộ Công Thương phê duyệt. Tuy nhiên, riêng đối với khu vực miền Bắc có thể xảy ra tình trạng thiếu hụt công suất đỉnh tại một số giờ cao điểm trong ngày vào thời gian cao điểm khi nhu cầu phụ tải có thể tăng cao đột biến trong các ngày thời tiết cực đoan nắng nóng kéo dài. Điều này cũng đã được tính toán dự báo từ cuối năm 2021 và đã được Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị thực hiện các giải pháp về đầu tư xây dựng, xây dựng kế hoạch vận hành, bảo dưỡng sữa chữa, chuẩn bị nhiên liệu, kế hoạch thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải nhằm đảm bảo cao nhất việc cấp điện cho phát triển kinh tế, xã hội. Trong thời gian tới việc đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia còn tiềm ẩn nhiều khó khăn nếu có các diễn biến bất thường xảy ra như sự cố các nhà máy điện lớn, sự cố lưới điện 500-220kV, sự cố các hệ thống cung cấp khí, gián đoạn nhiên liệu sơ cấp, nhu cầu phụ tải tăng cao đột biến do thời tiết nắng nóng. Cục Điều tiết điện lực đã tham mưu cho Lãnh đạo Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Than – Khoảng sản Việt nam và các đơn vị liên quan cần phối hợp chặt chẽ trong việc đảm bảo cung cấp đủ nhiên liệu sơ cấp cho phát điện, bám sát tình hình phụ tải, có phương án chuẩn bị trong trường hợp phụ tải tăng cao hơn dự kiến để đáp ứng quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19./.

Tác giả: Phòng Hệ thống điện - Cục Điều tiết điện lực ; xuất bản: 14/07/2022 05:00
Họ tên của bạn
Địa chỉ Email  
Tiêu đề
Nội dung
Mã xác nhận
Gửi nhận xét