Chuyện lỗ - lãi của các nhà máy điện gió Việt Nam
Thứ năm, 25/05/2023 - 19:50
Vừa qua, Công ty Điện gió Phong Liệu công bố thông tin tài chính năm 2022 với lợi nhuận sau thuế tới 124 tỉ đồng đã làm dư luận khá “hoang mang”. Nguyên nhân là trước đó, một loạt các doanh nghiệp điện gió báo lỗ, cá biệt có doanh nghiệp báo lỗ gần ngàn tỉ đồng. Vậy thực hư câu chuyện về lỗ - lãi của doanh nghiệp điện gió là như thế nào?
Theo thống kê của Bộ Công Thương, hiện có 84 dự án điện gió, tổng công suất gần 4 GW đã kịp vận hành thương mại trước tháng 11/2021. Đây là hạn cuối để ghi nhận cho doanh nghiệp hưởng điện ưu đãi. Mặc dù vậy, không phải dự án năng lượng tái tạo nào được hưởng giá điện ưu đãi cũng đang có lợi nhuận.
Việt Nam là một trong những quốc gia có tiềm năng điện gió ngoài khơi lớn nhất khu vực Đông Nam Á
Đơn cử, Công ty Trung Nam Đăk Lăk 1 vận hành dự án điện gió Ea Nam 400 MW báo lỗ 859 tỉ đồng. Hai dự án Ia Pết Đăk Đoa 1-2, công suất 99 MW mỗi dự án, đều báo lỗ trên 200 tỉ đồng trong năm 2022 hoặc Dự án Yang Trung và Phước Hữu - Duyên Hải 1, lỗ lần lượt 91 tỉ đồng và 60 tỉ đồng…
Đặc điểm chung của các dự án điện gió thua lỗ là cấu trúc tài chính có vấn đề, đòn bẩy tài chính quá cao. Chẳng hạn, dự án Ea Nam, nợ phải trả hơn 12.100 tỉ đồng cuối năm ngoái, gấp hơn 4 lần vốn chủ sở hữu. Các dự án khác như Ia Pết Đăk Đoa 1-2, Yang Trung, Chơ Long, Hoà Đông 2… nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu gấp 4-6 lần.
Đòn bẩy cao kéo theo chi phí tài chính của các dự án điện tái tạo phải chịu hàng năm rất lớn. Các doanh nghiệp năng lượng cũng là những đơn vị phát hành trái phiếu doanh nghiệp quy mô lớn, chỉ xếp sau nhóm bất động sản.
Các lô trái phiếu của điện gió chỉ áp dụng lãi suất cố định trong vài kỳ trả lãi đầu tiên, sau đó thả nổi. Bởi vậy, việc lãi suất tăng mạnh từ năm 2022 đến nay đã khiến chi phí tài chính của dự án này tăng mạnh, lợi nhuận từ giá điện ưu đãi không đủ để trả lãi.
Trong khi loạt dự án điện gió báo lỗ, Công ty Điện gió Phong Liệu vừa công bố thông tin định kỳ về chỉ tiêu tài chính cơ bản. Theo đó, năm 2022, Phong Liệu ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 124 tỉ đồng, tăng 2,7 lần so với mức 46 tỉ đồng năm 2021.
Lợi nhuận giúp vốn chủ sở hữu của Phong Liệu tăng tương ứng, lên 675 tỉ đồng, qua đó giúp các chỉ số nợ trên vốn của doanh nghiệp giảm xuống. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của Phong Liệu thời điểm cuối năm 2022 là 1,68 lần, giảm so với mức 2,26 lần cuối năm 2021.
Điện gió Phong Liệu là chủ đầu tư dự án Nhà máy điện gió Phong Liệu tại xã Tân Thành và Hướng Tân, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Dự án này có công suất 48 MW, tổng mức đầu tư 1.600 tỉ đồng. Dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động từ năm 2021.
Điện gió Phong Liệu báo lãi lớn.
Tương tự, Công ty TNHH Điện gió REE Trà Vinh (REE Trà Vinh WindPower) trong năm 2022 ghi nhận doanh thu 328 tỉ đồng và lợi nhuận 107 tỉ đồng ngay sau năm đầu tiên đi vào vận hành thương mại.
Dự án điện gió của REE bắt đầu triển khai thi công từ quý II/2020, quy mô đầu tư hơn 2.100 tỉ đồng. Theo REE, dự án đưa vào vận hành thương mại từ ngày 27/10/2021 và đã đủ tiêu chí để được áp dụng giá điện ưu đãi trong thời hạn 20 năm đối với điện gió gần bờ theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg ngày 10/09/2018 của Thủ tướng Chính phủ.
Biểu đồ lợi nhuận sau thuế của một số dự án điện gió năm 2021 và 2022.
Mức giá hiện tại của điện gió là 9,8 UScent/kWh (tương đương 2.300 đồng) có thể được coi là ổn cho một số dự án, nhưng cần phải thực hiện một số thử nghiệm cho các dự án ở xa bờ, ở độ sâu nước sâu hơn và kết nối lưới dài hơn. Nói về giá FIT, trên thực tế, một dự án muốn thực hiện nhanh cần từ 7 đến 9 năm ở các nước có môi trường tiêu chuẩn quốc tế - khuyến nghị xây dựng kế hoạch giá FIT cố định cho đến năm vận hành 2030. Nguồn tài chính quốc tế hoàn toàn có sẵn, nếu chính phủ áp dụng chính sách gió ngoài khơi và chấp nhận các quy tắc, điều khoản và tiêu chuẩn quốc tế về đầu tư trực tiếp nước ngoài xung quanh các khoản đầu tư đó.
Để đảm bảo niềm tin của nhà đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt điện gió ngoài khơi, là một vấn đề phức tạp hơn, cần phải có Hợp đồng mua bán điện ngoài khơi riêng biệt để đảm bảo khả năng sinh lời. Hiện nay, Chính phủ đã xây dựng các khung điều kiện ổn định, bao gồm Hợp đồng mua bán điện có thể giao dịch được, phân tích lưới (hạn chế rủi ro sa thải lưới), dữ liệu tài nguyên gió, dữ liệu công nghệ địa lý và dữ liệu của nhà cung cấp. Chính phủ cũng phân công các cơ quan có liên quan và đảm bảo sự minh bạch trong quá trình nộp hồ sơ… đảm bảo có thể giảm bớt gánh nặng rủi ro cho các nhà đầu tư điện gió.
Như vậy có thể khẳng định rằng, các dự án điện gió thua lỗ là sử dụng đòn bẩy tài chính lớn, dẫn đến chi phí lãi vay tăng mạnh, đặc biệt trong bối cảnh lãi suất tăng cao như thời gian qua. Đây là vấn đề quản trị tài chính của doanh nghiệp, không liên quan đến các chính sách của Việt Nam đối với điện gió nói riêng và phát triển năng lượng tái tạo nói chung.
Theo PetroTimes