Kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam: Những thành tựu nổi bật
Thứ sáu, 11/10/2024 - 05:20
Trong chặng đường hình thành, xây dựng và phát triển 30 năm qua, TVN trước đây và TKV sau này đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong việc thực hiện nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao.
Xúc, vận tải than trên khai trường lộ thiên những năm đầu thập niên 80
Đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh than là ngành chủ lực, ngành chiến lược của Tập đoàn theo hướng tăng trưởng nhanh, đáp ứng nhu cầu than trong nước ngày càng tăng cao, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển kinh tế - xã hội.
Trong 40 năm từ năm 1955 đến 1994, mặc dù có sự giúp đỡ to lớn của các nước XHCN trước đây, đặc biệt là Liên Xô nhưng sản lượng than thương phẩm đến năm 1994 (trước khi thành lập TVN) cũng chỉ đạt khoảng 6 triệu tấn.
Từ năm 1995, sau khi TVN đi vào hoạt động, sản lượng than đã ngày càng tăng cao không những đáp ứng đủ nhu cầu trong nước mà còn có xuất khẩu thu ngoại tệ vừa góp phần cải thiện cán cân thương mại và cân đối được tài chính để: (1) bù đắp khoản lỗ của phần sản lượng than bán cho các hộ trọng điểm trong nước (điện, xi măng, phân bón, giấy) với giá thấp hơn giá thành để góp phần thực hiện chính sách kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; (2) tạo tích lũy đầu tư phát triển mở rộng sản xuất than và phát triển các ngành khác trên nền than. Sản lượng than đã đạt các mốc như sau:
- Năm 1997 đạt 11,3 triệu tấn, đánh dấu lần đầu tiên ngành Than Việt Nam vượt mốc 10 triệu tấn là mức sản lượng Đại hội Đảng lần thứ VIII đề ra cho năm 2000.
- Năm 2002 đạt 15,4 triệu tấn, vượt mốc 15 triệu tấn và đạt mục tiêu sản lượng mà Quy hoạch phát triển ngành Than đề ra cho năm 2005.
- Năm 2004 đạt 25,4 triệu tấn, đạt mục tiêu sản lượng mà Quy hoạch phát triển ngành Than đề ra cho năm 2015.
- Năm 2005 đạt 31,3 triệu tấn, vượt xa mục tiêu sản lượng mà Quy hoạch phát triển ngành Than đề ra cho năm 2020. » Năm 2007 đạt 42,2 triệu tấn, vượt mốc 40 triệu tấn. Và từ đó đến nay sản lượng than đều đạt 38 đến 40 triệu tấn/năm, năm 2011 đạt mức cao nhất là 45 triệu tấn.
Tổng doanh thu than đã tăng từ gần 1,3 nghìn tỷ đồng năm 1994 lên 168 nghìn tỷ đồng năm 2023 (tăng gần 130 lần).
Đặc biệt, lĩnh vực khai thác than hầm lò đã có sự phát triển ngoạn mục trên cơ sở không ngừng đổi mới và hiện đại hóa công nghệ, từ chỗ chủ yếu là khai thác thủ công, chống gỗ đã từng bước nâng cao trình độ cơ giới hóa và tiến tới cơ giới hóa đồng bộ với các trang thiết bị tiên tiến, hiện đại. Nhờ đó đã tăng sản lượng than hầm lò từ 1,8 triệu tấn năm 1994 (chiếm 25% tổng sản lượng than) lên 27 triệu tấn năm 2023 (chiếm 73% tổng sản lượng than) và tăng 15 lần; công suất lò chợ đã tăng từ 20-50 nghìn tấn/năm lên bình quân 200 nghìn tấn/năm, lò chợ cơ giới hóa đồng bộ tại Công ty Than Hà Lầm đạt công suất 1,2 triệu tấn/năm ( gấp 60 lần công suất lò chợ giai đoạn 1994); hệ số tổn thất than giảm từ mức 40-50% xuống còn 19,02%; mức tiêu hao gỗ lò bình quân từ 40-50 m3 giảm xuống dưới 7,86 m3/1.000 tấn than nguyên khai. Có thể nói, lĩnh vực khai thác than hầm lò đã trưởng thành và đảm đương vai trò chính trong việc khai thác than theo hướng thân thiện với môi trường.
Đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp khoáng sản chiều rộng lẫn chiều sâu theo hướng tăng cường chế biến sâu, nhờ đó tạo ra sự phát triển đột biến, nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả kinh tế của ngành.
Từ chỗ trước đây chủ yếu khai thác và sản xuất quặng tinh, phần lớn để xuất khẩu đã đẩy mạnh đầu tư chế biến sâu khoáng sản, luyện kim như nhà máy luyện đồng (Lào Cai) để sản xuất đồng kim loại công suất 10.000 tấn/năm (đi vào hoạt động năm 2008) đến nay đã đầu tư mở rộng nâng lên 30.000 tấn/năm; nhà máy điện phân chì kẽm (Thái Nguyên) công suất 10.000 tấn/năm (đi vào hoạt động năm 2007), nhà máy chế biến alumin Tân Rai (Lâm Đồng) công suất 650 nghìn tấn/năm (đi vào hoạt động năm 2013), Nhà máy chế biến alumin Nhân Cơ (Đắk Nông) công suất 650 nghìn tấn/năm (đi vào hoạt động năm 2017), hai nhà máy này hàng năm đạt sản lượng 1,45 triệu tấn alumin quy đổi, vượt 10% công suất thiết kế, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Việc đưa các nhà máy luyện kim và 2 nhà máy chế biến alumin nêu trên đi vào hoạt động đã tạo ra sự phát triển đột phá về chất của ngành công nghiệp khoáng sản Việt Nam theo hướng chế biến sâu, đáp ứng nhu cầu trong nước, giảm nhập khẩu, tiết kiệm ngoại tệ, vừa nâng cao giá trị gia tăng và tạo thêm việc làm, góp phần cải thiện cán cân thương mại, ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển kinh tế - xã hội, tại địa bàn Tây Bắc và Tây Nguyên.
Toàn cảnh Nhà máy Luyện đồng số 2 - Bản Qua, Bát Xát, Lào Cai
Sản lượng kẽm thỏi đã tăng từ gần 2,5 nghìn tấn năm 2006 lên 9,5 nghìn tấn năm 2023; sản lượng đồng tấm tăng từ 2,5 nghìn tấn năm 2008 lên 30,7 nghìn tấn năm 2022, vàng kim loại tăng từ 55 kg năm 2008 lên 1.114 kg năm 2022 v.v… Nhờ vậy, tổng doanh thu khoáng sản đã tăng từ 1,32 nghìn tỷ đồng năm 2006 lên 24,8 nghìn tỷ đồng năm 2023 (tăng 18,78 lần).
Phát triển các ngành sản xuất: điện, vật liệu nổ công nghiệp, cơ khí với mục tiêu vừa bảo đảm có hiệu quả, vừa nâng cao tính tự chủ, ổn định và bền vững cho ngành chủ lực sản xuất than - khoáng sản của Tập đoàn.
Được giao vai trò là một trong 3 trụ cột bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, thời gian qua TKV đã đẩy mạnh đầu tư phát triển các dự án nhiệt điện than. Tổng cộng đến năm 2017 tổng công suất của các nhà máy điện TKV đã đi vào hoạt động là 1,73 nghìn MW.
Nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ (Đắk Nông)
Sản lượng điện sản xuất và tiêu thụ đã tăng từ 720 triệu kWh năm 2006 lên 10,5 tỷ kWh năm 2021 (tăng 14,58 lần), nhờ đó doanh thu đã tăng tương ứng từ 432 tỷ đồng lên 14 nghìn tỷ đồng (tăng 32 lần).
Sản xuất và cung ứng vật liệu nổ công nghiệp liên tục tăng và trở thành một trong những ngành có doanh thu tương đối lớn và hiệu quả cao. Từ năm 2006 đến 2023, sản lượng sản xuất tăng từ 46 lên 65,6 nghìn tấn (tăng gần 1,5 lần) và sản lượng cung ứng tăng từ gần 76 lên 102 nghìn tấn (tăng 1,3 lần), tương ứng doanh thu tăng từ 1,2 lên hơn 7,4 nghìn tỷ đồng (tăng hơn 6 lần).
Về ngành cơ khí, đã chế tạo giá chống thủy lực và các thiết bị, phụ tùng phục vụ sản xuất than, khoáng sản, điện lực, sửa chữa và phục hồi các thiết bị phục vụ cho khai thác mỏ và các lĩnh vực SXKD khác với tổng doanh thu tăng từ hơn 1 nghìn tỷ đồng năm 2006 lên 3,3 nghìn tỷ đồng năm 2023 (tăng hơn 3 lần).
Sản lượng các sản phẩm khác như xi măng, dầu nhờn, các dịch vụ thương mại, du lịch... đều tăng trưởng và tổng doanh thu đã tăng từ 5,89 nghìn tỷ đồng năm 2006 lên hơn 17 nghìn tỷ đồng năm 2023 (tăng 1,7 lần).
Từ 1995 đến 2005, tổng doanh thu của TVN đã tăng từ 2,45 nghìn tỷ đồng lên 22,8 nghìn tỷ đồng (tăng hơn 9 lần); từ 2006 đến 2013, tổng doanh thu toàn Tập đoàn TKV tăng từ 29,1 nghìn tỷ đồng lên 103,8 nghìn tỷ đồng (tăng gần 3,5 lần). Từ 2014 - 2023 doanh thu toàn Tập đoàn TKV là 1,3 triệu tỷ đồng, tăng 677 nghìn tỷ đồng và tăng 109% so với giai đoạn 2004 - 2013.
Như vậy, mô hình phát triển kinh doanh than - khoáng sản đã phát triển đúng hướng theo từng thời kỳ với sự tăng trưởng ngoạn mục.
Thực hiện SXKD có lãi, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tại Tập đoàn ngày càng tăng cao, trên cơ sở đó tăng cường năng lực tài chính, bảo đảm an toàn và khả năng thanh toán của Tập đoàn.
Giám sát các thông số vận hành tại Nhà máy Nhiệt điện Cẩm Phả bảo đảm an toàn
Từ 1995 đến 2005, lợi nhuận trước thuế và tỉ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu của TVN đã tăng từ 40 tỷ đồng lên 3.130 tỷ đồng (tăng gần 80 lần) và từ năm 2006 đến 2011, tỉ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu của toàn Tập đoàn luôn luôn đạt mức cao từ 31,9% đến 42,9%, đỉnh cao là năm 2008 đạt 37,6%. Từ năm 2014 đến 2023, lợi nhuận trước thuế của toàn Tập đoàn là 44,5 nghìn tỷ đồng tương đương giai đoạn 2004 - 2013, nguyên nhân chủ yếu lợi nhuận không tăng là do các loại thuế phí giai đoạn này tăng gấp 3 lần so với giai đoạn 2004 - 2013.
Ngành cơ khí chế tạo sửa chữa và phục hồi thiết bị, phụ tùng phục vụ sản xuất, khai thác
Vốn chủ sở hữu của TVN từ năm 1995 đến 2005 đ ã tăng từ 899 tỷ đồng lên 5.070 tỷ đồng và của Tập đoàn TKV từ năm 2006 đến 2013 đã tăng từ 7.774 tỷ đồng lên 32.897 tỷ đồng (tăng 4,53 lần). Vốn chủ sở hữu năm 2023 là 48,3 nghìn tỷ đồng, tăng 12,7 nghìn tỷ đồng, tương ứng tăng 35,7% so với năm 2014. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu toàn Tập đoàn năm 2023 là 1,24 lần; giảm 1,39 lần so với năm 2014 (2,63 lần), hệ số nợ luôn nhỏ hơn 3 lần theo quy định của Nhà nước.
Đóng góp NSNN, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện cán cân thương mại và thực hiện trách nhiệm xã hội ngày càng tăng.
Nộp NSNN của TVN đã tăng từ 120 tỷ đồng năm 1995 lên 1.125 tỷ đồng năm 2005 và của toàn Tập đoàn TKV tăng cao từ 2006 đến 2011, cụ thể là: 2006: 1.847 tỷ đồng; năm 2011: 16.605 tỷ đồng. Giai đoạn năm 2014 đến năm 2023 số tiền nộp NSNN là: 181 nghìn tỷ đồng, tăng 106 nghìn tỷ đồng và tăng 141% so với giai đoạn 2004 - 2013.
Đặc biệt, thời gian qua, để góp phần bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát nên giá than trong nước được khống chế thấp hơn giá thị trường, riêng giá than cho các hộ trọng điểm (điện, phân bón, giấy, xi măng) còn thấp hơn giá thành. Trong 30 năm từ 1994 đến nay, TKV bù chéo cho các hộ điện qua giá bán than: 50 nghìn tỷ đồng; giai đoạn 2010 - 2013 khoảng 20 nghìn tỷ đồng, giai đoạn 2014 - 2023 số tiền chênh lệch giữa giá bán cho hộ điện và hộ khác chênh lệch khoảng 30 nghìn tỷ đồng.
TKV cùng các đơn vị thành viên tham gia thực hiện các hoạt động xóa đói giảm nghèo, phát triển nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội biển đảo, đền ơn đáp nghĩa, bảo trợ trẻ em, người tàn tật, công tác từ thiện, v.v... Tổng cộng kinh phí đóng góp từ năm 2007 đến 2023 là hàng nghìn tỷ đồng; góp vốn xây dựng các công trình đường giao thông, trường học từ năm 2005 đến 2023 gần 366 tỷ đồng; hỗ trợ 3 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ ngày 27/12/2008 là 241 tỷ đồng; tổng cộng các khoản đóng góp hỗ trợ hàng năm từ 150 đến 200 tỷ đồng. Đã tích cực góp phần đưa điện lưới ra đảo Cô Tô (Quảng Ninh) với kinh phí trên 163 tỷ đồng và đảo Lý Sơn (Quảng Ng ãi) 150 tỷ đồng. Xây dựng Bệnh viện Phổi Quảng Ninh trị giá 245 tỷ đồng; Xây dựng Quảng trường thành phố Cẩm Phả 94 tỷ đồng… Trong đại dịch Covid-19, TKV đã chi trực tiếp từ Công ty mẹ TKV để hỗ trợ Trung ương và các địa phương công tác phòng chống dịch bệnh với số tiền 289 tỷ đồng bao gồm hỗ trợ mua vaccine, thuốc và trang thiết bị dụng cụ y tế các loại.
Khánh thành quảng trường 12-11 tại thành phố Cẩm Phả, Quảng Ninh, công trình chào mừng 15 năm thành lập Đảng bộ Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (25/5/2007- 25/5/2022)
Ngoài ra, Tập đoàn đã thực hiện xuất khẩu sản phẩm thu ngoại tệ và tự sản xuất, chế tạo nhiều loại sản phẩm, phụ tùng thay thế nhập khẩu phục vụ cho hoạt động SXKD của Tập đoàn, tiết kiệm ngoại tệ, qua đó góp phần cải thiện cán cân thương mại và giảm nhập siêu của nền kinh tế.
Quan tâm thực hiện công tác bảo vệ môi trường (BVMT), an toàn lao động (ATLĐ), ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai trong quá trình sản xuất kinh doanh không ngừng được cải thiện đáng kể theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Khánh thành công trình Công viên mỏ tại Công ty CP Than Vàng Danh - Vinacomin, tháng 5/2024
Với việc chủ động hoạch định chiến lược bảo vệ môi trường ngay từ khi thành lập, Tập đoàn và các đơn vị thành viên đã cân đối vốn để triển khai đồng bộ các giải pháp trong suốt quá trình phát triển 30 năm qua. Hằng năm Tập đoàn và các công ty TKV đã chi hàng nghìn tỷ đồng để giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường do quá khứ để lại và ngăn ngừa ô nhiễm mới phát sinh, vì vậy môi trường cảnh quan các khu vực có hoạt động sản xuất kinh doanh của TKV “luôn đảm bảo thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu” tiến dần tới mục tiêu “Xanh hóa môi trường khai thác mỏ” và tiến trình “Đưa công viên vào trong mỏ, nhà máy”. Về công tác ATLĐ, kiên trì phấn đấu thực hiện mục tiêu “Tai nạn bằng không”. Kết quả 30 năm thực hiện chiến lược bảo vệ môi trường và an toàn lao động của TKV cụ thể như sau:
Hoàn thành nhiều dự án cải tạo, phục hồi môi trường; nạo vét, xây kè hệ thống sông suối thoát nước, hồ chứa nước; xây đập chắn đất đá ở chân bãi thải; cải tạo, xây dựng các tuyến đường vận tải chuyên dụng; xây dựng hệ thống xử lý nước thải, dập bụi, thu gom, tái chế chất thải, v.v...
Trồng cây phủ xanh cải tạo các khu vực sau khai thác mỏ, phục hồi môi trường sinh thái trên 21.000 ha, hằng năm xử lý nước thải mỏ 140 -150 triệu m3 đảm bảo tiêu chuẩn xả thải ra môi trường, xây dựng các trạm quan trắc môi trường tự động kết nối trực tiếp và truyền dữ liệu liên tục về Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương.
Trong giai đoạn 2014 - 2023, TKV đã hoàn thành thực hiện “Đề án đảm bảo môi trường cấp bách ngành Than giai đoạn 2016 - 2020”, bảo đảm cam kết với tỉnh Quảng Ninh để giải quyết các nguy cơ, thách thức về môi trường, phòng chống thiên tai xuất hiện sau đợt mưa lũ lịch sử năm 2015, bảo đảm an toàn cho sản xuất và dân cư, bảo vệ môi trường chung, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong lĩnh vực công tác ATLĐ và chăm sóc sức khỏe người lao động, ngoài các hoạt động khác theo quy định của pháp luật và quy phạm an toàn; Giao Bệnh viện Than Khoáng sản đặc trách công tác chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh nghề nghiệp, rửa phổi cho người lao động; Trung tâm cấp cứu mỏ và Trung tâm An toàn Mỏ đặc trách công tác ATLĐ.
Nhờ những giải pháp quyết liệt đã được thực hiện nên tình hình môi trường vùng mỏ, an toàn và sức khỏe người lao động từng bước cải thiện đáng kể, trên cơ sở đó các hoạt động SXKD của Tập đoàn đang phát triển theo hướng an toàn, thân thiện với môi trường, tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và bền vững.
Công trình dự án GAP tại Công ty Tuyển than Cửa Ông, do Nhật Bản tài trợ trị giá 123 tỷ đồng, khởi công năm 2002 và hoàn thành năm 2004. Hiệu quả công trình: Tiết kiệm, thu hồi hàng triệu m3 nước/năm và tận thu 400-500 nghìn tấn than bùn/năm. Đặc biệt, góp phần giữ gìn môi trường Vịnh Bái Tử Long
Những thành tựu đạt được nêu trên có thể nói, TVN trước đây và Tập đoàn TKV đã thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra về thí điểm thành lập tập đoàn kinh tế nói chung cũng như mục tiêu thành lập Tập đoàn TKV nói riêng theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Với những thành tựu to lớn đạt được, CNCB của Tập đoàn TKV đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Sao vàng năm 1996 và Anh hùng Lao động năm 2005; Huân chương Lao động hạng Ba năm 2014. Nhiều tập thể, cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang, Huân chương các loại và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Theo Tạp chí Petrotimes.