Họp Ban soạn thảo xây dựng Nghị định về điều lệ tổ chức và hoạt động của EVN
Thứ tư, 28/08/2024 - 15:11
Chiều 27/8 tại Hà Nội, Ban soạn thảo dự thảo Nghị định thay thế Nghị định về điều lệ tổ chức và hoạt động của EVN đã họp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Dự và chủ trì cuộc họp có Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long- Trưởng Ban soạn thảo, cùng thành viên Ban soạn thảo và Tổ biên tập đại diện các bộ, ngành: Văn phòng Chính phủ, Nội vụ, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động và Thương binh - xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp, Tư pháp; cùng đại diện một số Vụ, Cục thuộc Bộ Công Thương và các phòng, ban liên quan thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Toàn cảnh cuộc họp
Dự thảo Nghị định về điều lệ về tổ chức hoạt động của EVN nhằm thay thế Nghị định số 26/2018/NĐ-CP ngày 28/2/2018 của Chính phủ.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh: Tiếp thu và quán triệt ý kiến chỉ đạo của Chính phủ đặc biệt là vấn đề quản lý tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước cũng như quản lý và sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp, theo chỉ đạo của Thủ tướng cần phải đẩy mạnh tăng cường phân cấp, phân quyền, tăng cường hậu kiểm và giám sát kiểm tra, mục đích chung tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, phát triển. Do vậy, các ý kiến đóng góp cần tập trung vào các vấn đề liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, những nội dung mà doanh nghiệp đang gặp khó khăn, vướng mắc để hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long phát biểu tại cuộc họp
Theo báo cáo của EVN, tiếp thu ý kiến góp ý của Ban soạn thảo từ cuộc họp diễn ra vào đầu năm 2024, cơ bản hồ sơ trình dự thảo Nghị định về điều lệ tổ chức và hoạt động của EVN đã đầy đủ. Ngoài ra các ý kiến khác các thành viên Ban soạn thảo tập trung vào trình tự, thủ tục trình dự thảo Nghị định; kế hoạch xây dựng Nghị định; cập nhật một số nội dung theo Nghị định sửa đổi Nghị định 96/2022/NĐ-CP ngày 19/11/2022 và Nghị định liên quan đến việc tách A0 về Bộ Công Thương theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ…
Điều lệ EVN hiện tại bao gồm 11 Chương, 81 Điều và 1 phụ lục về danh sách đơn vị trực thuộc. Sau khi rà soát, Dự thảo điều lệ EVN sửa đổi, bổ sung có 11 Chương, 83 Điều và 1 phụ lục, như vậy tăng 02 Điều so với điều lệ hiện nay.
Theo đó có một số nội dung sửa đổi, bổ sung đáng chú ý như: Bổ sung một số khái niệm trong Điều 1 (Chương 1) về giải thích từ ngữ để phù hợp với các quy định hiện hành; các chức năng chủ yếu của EVN tại khoản 4 Điều 3; ngành nghề kinh doanh của EVN tại khoản 2 Điều 4; sửa đổi vốn điều lệ của EVN tại khoản 1 Điều 5; về quy định sở hữu chéo trong Tập đoàn tại khoản 2 Điều 12; một số nội dung về quyền và nghĩa vụ của EVN; cơ cấu tổ chức quản lý của EVN, các quy định về Hội đồng thành viên, về Tổng giám đốc của EVN; các nội dung đề xuất cơ chế đối với hoạt động của EVN; về chuyển đổi Công ty CP thành Công ty TNHH hai thành viên trở lên…
Bà Trần Thị Kim Hoa - Vụ Năng lượng, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phát biểu tại cuộc họp
Tại cuộc họp, thành viên Ban soạn thảo cũng đã thảo luận và góp ý liên quan đến các nội dung như về trình tự thủ tục xây dựng, lấy ý kiến trong xã hội và trình cơ quan chuyên môn thẩm định trước khi trình Chính phủ; ngành nghề kinh doanh bổ sung; nghĩa vụ đầu tư (Điều 33); quy định về nguồn bổ sung vốn điều lệ của EVN, tăng giảm nguồn vốn của EVN;..
Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Xuân Nam phát biểu
Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Xuân Nam đã tiếp thu ý kiến đóng góp của thành viên Ban soạn thảo, đồng thời khẳng định EVN sẽ sửa đổi bổ sung một số điểm trong đó EVN đề nghị cần thiết phải sửa đổi cả Nghị định của Dầu khí liên quan đến tăng, giảm nguồn vốn nhằm tháo gỡ vướng mắc liên quan đến một số công trình sân trạm biến áp được PVN bàn giao cho EVN ...
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long đề nghị EVN tập trung rà soát, sửa đổi một số nội dung đã được các thành viên Ban soạn thảo góp ý, trong đó tập trung vào một số nội dung mà trong quá trình hoạt động EVN đang gặp nhiều khó khăn vướng mắc đặc biệt là nội dung tăng, giảm vốn, thu xếp vốn, ngành nghề kinh doanh...
Theo Báo Công Thương