[In trang]
Xu hướng điện năng lượng tái tạo chiếm tỷ trọng lớn trong phát triển nguồn điện toàn cầu đến năm 2026
Thứ tư, 14/08/2024 - 21:24
Theo dự báo tại trang iea.org, sản lượng điện từ các nguồn điện phát thải thấp, bao gồm hạt nhân và năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, gió và thủy điện, sẽ tăng trưởng đáng kể để đáp ứng toàn bộ nhu cầu tiêu thụ điện toàn cầu được dự báo tăng trung bình hằng năm ở mức 3,4% đến năm 2026.
Theo đó, các nguồn phát điện phát thải thấp sẽ làm giảm vai trò của nhiên liệu hóa thạch trong sản xuất điện trên toàn cầu và được dự báo sẽ chiếm gần một nửa sản lượng điện của thế giới vào năm 2026. Trong ba năm tới, sản lượng điện phát thải thấp dự kiến lắp đặt tăng gấp đôi tốc độ tăng trưởng hàng năm từ năm 2018 đến năm 2023, đây là một sự thay đổi quan trọng, vì ngành điện đóng góp nhiều nhất vào lượng khí thải carbon dioxide (CO2) toàn cầu hiện nay.
Sản lượng điện từ năng lượng tái tạo 
Dự báo vào đầu năm 2025, sản lượng điện từ năng lượng tái tạo được lắp đặt sẽ cung cấp cho hơn một phần ba tổng sản lượng điện trên toàn cầu, vượt qua nguồn điện từ các nhà máy điện than.
Tỷ lệ điện lượng tái tạo dự kiến sẽ tăng từ 30% năm 2023 lên 37% vào năm 2026, với sự tăng trưởng chủ yếu từ nguồn năng lượng mặt trời, do các tấm pin quang điện có chi phí ngày càng rẻ. Sự phát triển mạnh mẽ này đòi hỏi phải đi kèm với việc đầu tư lớn vào hệ thống truyền tải điện, cũng như đảm bảo tích hợp một cách linh hoạt của hệ thống.
Theo dự báo, việc gia tăng sản lượng điện hạt nhân và tăng trưởng nhanh chóng của năng lượng tái tạo sẽ thay thế sản lượng điện than trên toàn cầu, theo đó, trung bình mỗi năm giảm 1,7% cho đến năm 2026. Trước đó, trong năm 2023, sản lượng điện than toàn cầu chỉ tăng 1,6%, tuy việc hạn hán ở Ấn Độ và Trung Quốc làm giảm sản lượng thủy điện, tăng sản lượng điện than, nhưng sản lượng điện than lại sụt giảm mạnh ở Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu. 
Tại Trung Quốc, tỷ trọng sản lượng điện than hiện đang trên đà suy giảm, do sự phát triển mạnh mẽ của năng lượng tái tạo và sản lượng điện hạt nhân, cũng như tăng trưởng kinh tế đang chậm lại. Ngoài ra, việc huy động linh hoạt các nhà máy nhiệt điện than trong tỷ trọng nguồn điện để tăng cường an ninh năng lượng cũng là yếu tổ làm giảm tỷ lệ sử dụng các nhà máy nhiệt điện than tại Trung Quốc. Tuy nhiên, việc này sẽ chịu ảnh hưởng đáng kể bởi việc phát triển kinh tế, xu hướng phát triển nhà máy thủy điện và tình trạng tắc nghẽn trong việc tích hợp năng lượng tái tạo vào hệ thống điện quốc gia.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Sản lượng điện từ nhà máy sử dụng khí tự nhiên 
Sản lượng điện từ nhà máy sử dụng khí tự nhiên toàn cầu tăng chưa đến 1% trong năm 2023, do sự sụt giảm mạnh trong sản lượng điện từ nhà máy sử dụng khí tự nhiên tại Liên minh châu Âu, và được bù lại phần tăng ở Hoa Kỳ, nơi mà nguồn nhiên liệu khí tự nhiện ngày càng thay thế nhiên liệu than.
Dự kiến đến năm 2026, tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm cũng chỉ khoảng 1%. Trong khi đó, dự báo sản lượng điện từ nhà máy sử dụng khí tự nhiên ở châu Âu sẽ tiếp tục giảm, việc tăng trưởng toàn cầu nêu trên chủ yếu từ các nước châu Á, Trung Đông và châu Phi trong bối cảnh nhu cầu điện tăng cao ở các khu vực này và nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) được bổ sung từ năm 2025. 
Sản lượng điện từ điện hạt nhân
Dự kiến đến năm 2025, sản lượng điện hạt nhân toàn cầu sẽ vượt qua kỷ lục trước đó đã được thiết lập vào năm 2021. Sản lượng điện hạt nhân dự kiến sẽ tăng trưởng trung bình gần 3% mỗi năm cho đến năm 2026, mặc dù một số quốc gia loại bỏ dần điện hạt nhân hoặc ngừng hoạt động sớm các nhà máy, tuy nhiên, dự báo này khả thi khi công việc bảo trì các nhà máy điện hạt nhân được hoàn thành tại Pháp, tại Nhật Bản đã khởi động lại sản xuất điện hạt nhân của một số nhà máy điện, cũng như việc các lò phản ứng mới bắt đầu hoạt động thương mại tại nhiều thị trường khác nhau như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và một số nước Châu Âu. 
Để đảm bảo an ninh năng lượng, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính, nhiều quốc gia đang đưa điện hạt nhân trở thành một phần quan trọng trong chiến lược năng lượng. Tại hội nghị về biến đổi khí hậu COP28 kết thúc vào tháng 12 năm 2023, hơn 20 quốc gia đã ký tuyên bố chung về việc tăng gấp ba công suất điện hạt nhân vào năm 2050. Để đạt được mục tiêu này, cần phải giải quyết thách thức chính là giảm rủi ro trong vận hành và quản lý tài chính trong xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Điều này dẫn đến dự kiến tăng trưởng đối với các nhà máy điện hạt nhân có công nghệ lò phản ứng mô-đun nhỏ (SMR). Việc phát triển và triển khai công nghệ này vẫn còn khiêm tốn và còn có nhiều khó khăn, tuy nhiên hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) đang bắt đầu tăng tốc.
Hoàng My tổng hợp
Nguồn: https://www.iea.org/reports/electricity-2024