Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải làm việc với UBND TP. Hồ Chí Minh về phát triển năng lượng
Thứ năm, 27/07/2023 - 09:23
Chiều 25.7, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải - Trưởng Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội 'Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021' đã chủ trì cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát với UBND TP. Hồ Chí Minh.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại cuộc làm việc với UBND TP. Hồ Chí Minh
Cùng dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy - Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP, Trưởng đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi.
Tham dự còn có: Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển; Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung; các thành viên Đoàn giám sát, đại diện các bộ, ngành…
Báo cáo với Đoàn giám sát, đại diện UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, quy hoạch phát triển điện lực thành phố giai đoạn 2016-2025, có xét đến năm 2035 được xây dựng và ban hành kịp thời làm cơ sở cho ngành điện đầu tư xây dựng hạ tầng lưới điện, giúp thành phố luôn bảo đảm cung cấp đủ năng lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của người dân.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và các thành viên Đoàn giám sát tại cuộc làm việc
Thực hiện theo quy hoạch phát triển điện lực đã được phê duyệt, những năm qua, ngành điện lực thành phố đã xây dựng và đưa vào nhiều công trình nguồn vốn và lưới điện nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao chất lượng cung cấp điện cho các hộ phụ tải. Hệ thống lưới điện trên địa bàn được xây dựng đồng bộ, có độ dự phòng cao, bảo đảm cung cấp điện an toàn, ổn định và liên tục cho nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay, thời gian triển khai thực hiện đầu tư xây dựng các dự án lưới điện 110kV, 220kV trên địa bàn ngày càng kéo dài, làm ảnh hưởng đến Quy hoạch phát triển lưới điện Quốc gia và Quy hoạch phát triển lưới điện của TP. Hồ Chí Minh, tiềm ẩn nguy cơ về bảo đảm an ninh năng lượng cho thành phố (đặc biệt trong khu vực trung tâm hành chính của thành phố) trong giai đoạn 2023-2025 khi xuất hiện các tình huống bất lợi trên lưới điện quốc gia. Lưới điện 110kV vẫn còn tình trạng đầy tải cục bộ (vận hành bình thường nhưng sẽ đầy hoặc quá tải khi có sự cố hoặc cắt điện thi công) tại một vài khu vực.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu
Đại diện Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh cho biết, thành phố là khu vực đặc biệt hiện không có nguồn điện tại chỗ đủ lớn, đa số phải nhận nguồn chủ yếu từ các khu vực lân cận. Do đó, việc phát triển nguồn phát điện tại chỗ để cung cấp lượng phụ tải rất lớn tại TP. Hồ Chí Minh là rất hiệu quả và phù hợp với sự phát triển chung của thế giới.
UBND TP. Hồ Chí Minh kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành sớm nghiên cứu có cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích khai thác năng lượng mặt trời mái nhà nhằm phát huy tiềm năng về điện mặt trời trên địa bàn; bổ sung các dự án năng lượng tái tạo của thành phố vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.
Đoàn giám sát ghi nhận những kết quả đạt được, chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc đối với lĩnh vực phát triển năng lượng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, trong đó, thành phố không có tiềm năng trữ lượng về than, dầu khí, thủy điện; không có nguồn điện tại chỗ đủ lớn mà chủ yếu nhận các nguồn năng lượng từ khu vực lân cận; tiềm năng chủ yếu là điện mặt trời mái nhà và một phần nhỏ từ điện sinh khối, điện gió. Đây là vấn đề cần quan tâm để có cơ chế, chính sách đồng bộ từ Trung ương đến địa phương nhằm bảo đảm an ninh năng lượng, cung cấp đủ điện cho TP. Hồ Chí Minh - trung tâm kinh tế, đầu tàu kinh tế của khu vực phía Nam và cả nước.
Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi phát biểu
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý TP. Hồ Chí Minh cần ban hành kịp thời các văn bản trong lĩnh vực năng lượng thuộc thẩm quyền; tổ chức triển khai quy hoạch, kế hoạch phát triển năng lượng và các dự án năng lượng trên địa bàn đúng quy định, thời hạn, tiết kiệm, hiệu quả; phát huy và có giải pháp hiệu quả để tiếp tục giảm hệ số đàn hồi điện, tỷ lệ tốc độ tăng trưởng điện so với tốc độ tăng GDP, tổn thất điện năng trong quá trình truyền tải điện.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, TP. Hồ Chí Minh cần thực tốt quy định tại khoản 11 Điều 5 Nghị quyết 98 của Quốc hội để thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà hiện đang là thế mạnh và quyền chủ động của thành phố, góp phần bảo đảm nguồn cung điện cho sản xuất kinh doanh và đời sống của Nhân dân.
Bên cạnh đó, có giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi triển khai các công trình điện lực, công trình năng lượng, nhất là thủ tục về đất đai, điều chỉnh quy hoạch đất đai, bố trí quỹ đất, bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất cho các dự án năng lượng; thỏa thuận tuyến với các ngành liên quan khi thực hiện các dự án lưới điện, dự án năng lượng.
Đồng thời, phối hợp với cơ quan trung ương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và thực hiện tốt các nhiệm vụ theo thẩm quyền, khắc phục tình trạng lưới điện truyền tải có lúc quá tải/đầy cục bộ; đồng bộ quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch phát triển điện; quy hoạch phát triển lưới điện quốc gia và quy hoạch phát triển điện lực TP. Hồ Chí Minh; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc với các dự án phát triển lưới điện 220-110kv bị chậm tiến độ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải với các đại biểu dự cuộc làm việc
Với các kiến nghị về cơ chế khuyến khích điện mặt trời, điện mặt trời mái nhà; bổ sung các dự án năng lượng tái tạo của TP. Hồ Chí Minh vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII..., Đoàn giám sát sẽ tổng hợp đầy đủ, nghiên cứu và thể hiện phù hợp trong Báo cáo kết quả giám sát và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
+ Trước đó, sáng cùng ngày, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và Đoàn giám sát đã làm việc với Công ty Xăng dầu Khu vực II về thực hiện, chính sách pháp luật về phát triển năng lượng.
Theo Báo điện tử Đại Biểu Nhân Dân.