[In trang]
Nên hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải điện
Thứ ba, 09/04/2024 - 13:37
Tại Tọa đàm 'Chia sẻ trách nhiệm cung ứng điện cao điểm mùa khô 2024' do báo VietNamNet tổ chức chiều 8.4, các đại biểu đề xuất, cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải điện (DR), bởi đây là một trong những giải pháp góp phần vận hành an toàn hệ thống dịp cao điểm.
Nhu cầu sử dụng điện ở miền Bắc sẽ tăng 13% vào cao điểm hè
Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) Nguyễn Quốc Trung cho biết, Bộ Công thương dự báo nhu cầu điện trong năm 2024 sẽ tăng trưởng khoảng 9,6%. Thực tế các tháng đầu năm nay, nhu cầu sử dụng điện của hệ thống điện quốc gia và miền Bắc tăng trưởng khoảng 10 - 11%, dự kiến sẽ tăng lên 13% trong các tháng 5 - 7 tới do nắng nóng. Với mức tăng 10%/năm, mỗi năm, miền Bắc sẽ cần thêm một Nhà máy thủy điện Sơn La đi vào vận hành, tương ứng khoảng 2.500MW; đây là thách thức với ngành điện, ông Trung thừa nhận.

Doanh nghiệp đề xuất có cơ chế hỗ trợ khi tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải điện (DR)
Trong bối cảnh đó, để bảo đảm đủ điện cho sản xuất và kinh doanh, nhiều giải pháp đã được các đơn vị liên quan quyết liệt triển khai.
Cụ thể, đối với thủy điện, A0 có chiến lược tích nước tại các hồ thủy điện, đến nay, lượng nước trữ tại các hồ này tương ứng khoảng 11 tỷ kWh điện, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ có 7 tỷ kWh (tại hồ Lai Châu giữ mực nước cao hơn 20m, hồ Sơn La cao hơn 10m, hồ Hòa Bình cao hơn 4m so cùng kỳ 2023). Cùng với đó, A0 đã phối hợp các địa phương tiết kiệm tối đa nước cho các nhu cầu ở hạ du, hiện tiết kiệm khoảng 1 tỷ mét khối nước so với dự kiến ban đầu. Điều này sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu điện vào các tháng cao điểm tới.
Đối với nhiên liệu khác, A0 đã lên kịch bản phát các nguồn điện đắt tiền, nhất là nhà máy chạy dầu FO, DO. Hiện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã thương thảo và ký hợp đồng với bên cung cấp khí để vận hành nhà máy LNG ở Đông Nam Bộ vào 15.4 tới. Đây là lần đầu tiên sẽ chạy LNG để phát điện.
Với nhiệt điện than và tua bin khí, dưới sự chỉ đạo của Bộ Công thương và Cục Điều tiết điện lực, các đơn vị đã rà soát, chuẩn bị vật tư dự phòng để tận dụng tối đa cả về nhiên liệu than lẫn nhiệm vụ khả dụng của các tổ máy, bởi nguồn than chiếm 50% sản lượng điện.
Ngoài ra, A0 cũng phối hợp Tổng công ty Điện lực miền Bắc để rà soát các thủy điện nhỏ, với gần 300 nhà máy, tổng công suất lên tới 5.000MW, bảo đảm cho các nhà máy này sẽ phát điện đúng vào giờ cao điểm từ 21 - 23 giờ trong các tháng 5 - 7 tới; đồng thời, A0 cũng sẽ phối hợp với các bên để chuyển tải tối đa lượng điện từ miền Trung và miền Nam ra đáp ứng cho phụ tải miền Bắc vào đợt cao điểm.
Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc Trần Minh Dũng cho biết thêm, ngay từ năm 2023 đã xác định những khó khăn trong cung ứng điện cho mùa hè 2024. Do vậy, ngay từ cuối năm ngoái, tổng công ty đã chỉ đạo và giám sát các đơn vị thành viên thực hiện nhiều giải pháp bảo đảm cung ứng điện thông qua các hành động quyết liệt nhằm bảo đảm đóng điện các công trình theo đúng kế hoạch; phát hiện sớm và xử lý ngay những nguy cơ có thể gây ra sự cố; phối hợp các Sở Công thương trong việc theo dõi phụ tải, quản lý chương trình phụ tải để xây dựng phương án cung cấp điện trên địa bàn.
Đặc biệt, ông Trần Minh Dũng cho rằng, nếu chỉ lo về nguồn và lưới điện mà không tiết kiệm điện sẽ không thể giải quyết bài toán thiếu điện; do vậy, tổng công ty đã phối hợp vận động khách hàng cùng chung tay tiết kiệm điện. Đây là giải pháp rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay.
Xem xét thí điểm biểu giá điện hai thành phần
Một trong những giải pháp sử dụng điện hiệu quả trong đợt cao điểm nắng nóng là chương trình điều chỉnh phụ tải điện (DR) - khuyến khích khách hàng chủ động giảm nhu cầu sử dụng.
Ông Đoàn Văn Mạnh, Phó giám đốc Cơ điện, Công ty TNHH Công nghệ chính xác Fuyu (Bắc Giang) cho biết, trong năm 2023, công ty đã thực hiện một số biện pháp để giảm sử dụng điện, như tận dụng tối đa nguồn sáng tự nhiên; dịch chuyển một số thời điểm sản xuất sang ca đêm; tăng nhiệt độ điều hòa. Ngoài ra, vào thời điểm thiếu điện nghiêm trọng, công ty đã vận hành 15 máy phát điện để cung cấp một phần cho sản xuất.
Trong năm nay, công ty cam kết tiếp tục đồng hành với ngành điện để sử dụng điện hiệu quả hơn; ông Mạnh đề xuất, việc tham gia chương trình DR chuyển sang sản xuất vào ban đêm cũng như sử dụng máy phát điện khiến doanh nghiệp tăng chi phí, do đó rất cần sự chia sẻ của ngành điện.
Đồng tình với đề xuất này, Phó Giám đốc Sở Công thương Bắc Giang Nguyễn Đức Hoàn cho rằng, hiện nay, chương trình DR vẫn mang tính tự nguyện; do đó, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền về chương trình này, cần có cơ chế hỗ trợ để khuyến khích doanh nghiệp tham gia nhiều hơn.
Ở góc độ sinh hoạt, Trưởng ban Kinh doanh EVN Nguyễn Quốc Dũng lưu ý, trong giai đoạn cao điểm, người dân cần sử dụng điều hòa hợp lý bởi thiết bị này chiếm tới 50 - 70% tổng nhu cầu điện năng sử dụng trong hộ gia đình. Đơn cử, một hộ gia đình sử dụng một điều hòa không khí công suất 1.200 BTU 8 tiếng mỗi ngày thì mỗi tháng tốn 288 số điện. Như vậy, nếu hộ dân bình thường sử dụng điện ở mức thấp (bậc 1 - 2) thì khi sử dụng máy lạnh sẽ nhảy lên bậc 3 - 4, đồng nghĩa tiền điện tăng thêm cho một máy điều hòa là khoảng 624.000 đồng/tháng; còn với hộ gia đình thường sử dụng điện ở bậc 5 sẽ tăng thêm hơn 900.000 đồng.
Vì thế, ông Nguyễn Quốc Dũng lưu ý các gia đình cần chủ động lựa chọn thiết bị điều hòa có công nghệ biến tần (inverter), dán nhãn tiết kiệm năng lượng để giúp giảm chi phí sử dụng điện 15 - 30%; vệ sinh định kỳ máy điều hòa 3 - 6 tháng/lần giúp giảm 10 - 15% tiền điện; đặt nhiệt độ từ 26 độ vào ban ngày và từ 27 độ vào ban đêm.
Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng, việc áp biểu giá điện hai thành phần (giá điện theo công suất và điện năng; hiện chúng ta đang áp dụng biểu giá điện một thành phần tức là biểu giá điện tính theo điện năng) sẽ góp phần khuyến khích khách hàng sử dụng điện hiệu quả, từ đó nâng cao hiệu số phụ tải, tiết kiệm lượng điện tiêu thụ. Bộ Công thương cũng đang khẩn trương chuẩn bị cho việc này.
Theo ông Thỏa, việc thí điểm biểu giá điện hai thành phần là cần thiết; đồng tình với điều này, ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đề xuất có thể thí điểm ở khách hàng phi sinh hoạt, sau đó mới xem xét nhân rộng.
Theo Đại biểu nhân dân