'Tắt đèn 1 giờ' và hơn thế nữa
Thứ bảy, 23/03/2024 - 08:46
Tối thứ Bảy tuần này từ 20 giờ 30 phút đến 21 giờ 30 phút (23/3) sẽ diễn ra hoạt động 'Tắt đèn' để hưởng ứng sự kiện 'Giờ Trái đất năm 2024'. Với sự kiện này, năm nay được Bộ Công thương phát động với thông điệp 'Tiết kiệm điện - Thành thói quen' nhằm lan tỏa tinh thần chung tay tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường đến toàn thể cộng đồng.
Nhiều nhà máy, phân xưởng ở Thừa Thiên Huế cam kết hưởng ứng Giờ Trái đất "Tắt đèn"
Từ 2007 đến nay, sự kiện trên được Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) khởi xướng. Năm 2009, Việt Nam lần đầu tiên hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái đất với sự tham gia của 6 tỉnh, thành gồm: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế và Khánh Hòa. Đến nay sau 15 năm tổ chức, chiến dịch đã tạo chuyển biến tích cực trong cộng đồng về nhận thức ý nghĩa, lợi ích của việc tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH).
Qua việc hưởng ứng Giờ Trái đất các năm trước, chứng kiến hình ảnh nhiều công viên, công sở, khách sạn, nhà hàng tự nguyện tắt điện chuyển sang chế độ thắp nến, thì vẫn còn rất nhiều ngọn đèn lãng phí trên đường và ở nhiều nhà dân.
Cũng trong dịp đó tiếp cận truyền thông về Giờ Trái đất, chúng tôi đã nghe nhiều người lại thốt lên câu nói rất vô tình: “Giờ Trái đất, lại tắt đèn một giờ”. Đúng là tắt đèn (điện), nhưng đâu phải là tắt điện thông thường! Không nên cho rằng đó là câu chuyện có cảm hứng thì tắt, không thì thôi. Sau mỗi công tơ điện, việc sử dụng điện như thế nào gần như là quyền của mỗi người, mỗi khách hàng. Nhưng hơn tất cả, mỗi người dùng điện phải ý thức được rằng, nguồn năng lượng không phải là vô tận, cũng không tự nhiên đến với nhà, cơ quan, công sở mình. Nhiều người chỉ nhận thức được việc tắt điện một cách cơ học, rằng đến ngày, đến giờ thì tắt, mà không thấy hết vai trò, ý nghĩa thực sự của Giờ Trái đất đối với sự phát triển kinh tế và đời sống xã hội. Chỉ khi chiếc công tắc điện được gắn với suy nghĩ của con người, khi thấy cần thì bật, không quá cần sẽ tắt, thì nhiệm vụ tiết kiệm điện năng và chống BĐKH mới có thể đạt được đầy đủ các mục tiêu đề ra.
Rất mừng hiện nay nhiều bạn trẻ ở TP. Huế khi trao đổi về sự kiện Giờ trái đất hiện đã có những suy nghĩ tích cực. Quan điểm của nhiều bạn, việc chỉ tắt đèn trong một giờ đồng hồ không làm thay đổi chất lượng môi trường trái đất ngay, nhưng sẽ tác động vào tâm lý của mỗi người về ý thức bảo vệ môi trường. Nhiều bạn chia sẻ, cá nhân đã là "sứ giả" tuyên truyền người thân họ hàng biết cách sử dụng điện hiệu quả. Với các bạn không chỉ tắt đèn để hưởng ứng Giờ Trái đất mà lên lịch tắt đèn định kỳ hằng tuần, hàng tháng... trong điều kiện có thể để tiết kiệm điện.
Chị Trần Nguyên Tùng (nghề trình dược viên, TP. Huế) cho biết, không riêng gì sự kiện "Tắt đèn" hưởng ứng Giờ Trái đất mà gia đình chị luôn tắt những bóng đèn ở vị trí không cần thiết, tận dụng ánh sáng tự nhiên, gió trời bằng cách mở cửa ban công, hạn chế tối đa sử dụng điện. Năm nay, gia đình chị hưởng ứng "Tắt đèn", tận dụng khoảng thời gian này để quây quần bên nhau...
Chuẩn bị cho chiến dịch Giờ Trái đất năm nay, Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế phối hợp xây dựng phương án tiết giảm công suất ở các khu vực đông dân cư, hệ thống chiếu sáng công cộng, khu vui chơi giải trí và có kế hoạch vận hành an toàn hệ thống lưới điện trong thời gian trước, trong, sau sự kiện.
Giờ Trái đất “Tắt đèn” là một hành động đơn giản mang tính biểu trưng nhưng để nhắc nhở cộng đồng, cá nhân hãy quan tâm hành động để thích ứng, tạo thói quen về lâu dài.
Theo Báo Thừa Thiên Huế